Từ một vùng đất “khỉ ho, cò gáy”, Diễn Tháp trở thành “xã tỷ phú” với gần 80% hộ khá giả, 300 xe ô tô riêng, hàng trăm biệt thự, nhà cao tầng. Chưa có thống kê chính thức, nhưng có thể khẳng định Diễn Tháp là một trong những xã nghề giàu có nhất Việt Nam”, ông Trần Xuân Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Tháp, chia sẻ.
“Lột xác” nhờ đồng nát
Những người lần đầu mới đến xóm 5 (xã Diễn Tháp) sẽ không thể tưởng tượng được sự phát triển sầm uất nơi đây là nhờ buôn bán đồng nát. Theo thống kê, cả xóm có hơn 200 hộ dân thì 100% đều là các hộ khá giả, hơn 100 hộ có ôtô, xây biệt thự, với các cơ sở buôn bán đồng nát xuyên biên giới sang tận Lào.
Anh Chu Quang Hà - chủ cơ sở buôn đồng nát có “số má” ở Diễn Tháp, dù còn rất trẻ (sinh năm 1980), nhưng đã có gần 10 năm buôn đồng nát xuyên biên giới Việt – Lào. Gia đình anh hiện đang sở hữu cơ ngơi hoành tráng với căn biệt thự gần 5 tỷ, xe hơi hạng sang và một đại lý thu mua đồng nát lớn với 10 công nhân làm việc cố định.
“Tôi bắt đầu đi buôn đồng nát từ năm 2005, chỉ với chiếc xe máy cà tàng với cái loa gắn ở làn xe đi thu mua nồi niêu, xoong chảo, sắt vụn, nhựa vụn… Nhờ may mắn và sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, công việc ngày càng thuận lợi. Giờ tôi đã có cơ sở riêng với hai xe tải hạng nặng, vừa phục vụ buôn bán trong nước, vừa buôn bán sang Lào”, anh Hà, chia sẻ.
Ông Hoàng Song Hào - Trưởng xóm 4 (xã Diễn Tháp), cho biết: “Diễn Tháp vốn có nghề đúc đồng. Để giải quyết khó khăn về nguyên liệu, người dân phải tỏa đi khắp nơi để thu mua. Hoạt động mua bán cứ ngày càng nhộn nhịp, có người còn sang tận Lào để “săn” đồ rẻ. Thấy buôn bán có lãi, người dân chuyển từ đúc đồng sang buôn đồng nát, rồi lập cơ sở tái chế, bán ra các thị trường trong nước và sang Lào để kiếm lời. Nhờ có nghề này, kinh tế của người dân Diễn Tháp “lột xác” hoàn toàn”.
![]() |
Nghề buôn phế liệu tạo sức bật về kinh tế nhưng cũng mang đến những hệ lụy về môi trường
Những mặt trái khó giải
Theo thống kê của UBND xã Diễn Tháp, hiện tại xã có gần 5.600 nhân khẩu, trong đó có khoảng 1.500 lao động mưu sinh ở Lào. Số còn lại ở quê cũng thành lập khoảng gần 200 đại lý, cơ sở chuyên thu gom phế liệu, cung cấp hàng hóa các loại sang Lào.
Không chỉ tạo sức bật mạnh mẽ về kinh tế, vấn đề an ninh xã hội tại Diễn Tháp cũng được duy trì ổn định, tệ nạn xã hội giảm, trẻ em được đầu tư học hành… Tuy nhiên, vẫn có những “mặt trái” nan giải, đòi hỏi cần nhanh chóng khắc phục, để làng nghề có thể phát triển bền vững.
Đầu tiên là vấn đề ô nhiễm môi trường “đặc thù” của nghề thu mua phế liệu. Là “thủ phủ” tập kết các loại đồng nát, sắt vụn, nhựa, cao su… từ khắp nơi đổ về, Diễn Tháp phải gánh một lượng chất thải, bụi bặm rất lớn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Ông Trần Văn Phúc (60 tuổi) - người dân xã Diễn Tháp, chia sẻ: “Nghề buôn phế liệu rất giàu. Con trai tôi cũng đang làm nghề, nhưng nói thật nghề này hại sức khỏe lắm. Không khí trong làng lúc nào cũng ngột ngạt, bãi rác tích tụ thành núi. Đường xá thì được đổ bê tông, nhưng vì xe cộ quá đông nên nhiều đoạn bị bật lên, bụi mù mịt, lúc nào cũng ồn ào, bụi bặm”.
Đề cập đến vấn đề này, ông Trần Xuân Mạnh - Phó chủ tịch UBND xã Diễn Tháp, cho biết: “Xã có bãi rác với diện tích tương đối lớn để tập kết rác thải. Xã cũng quy hoạch khu công nghiệp nhỏ ở Cồn Vang rộng 8 ha để tiến đến sản xuất tập trung, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vì nghề phát triển nhanh, vấn đề môi trường rất khó để khắc phục triệt để”.
Ngoài vấn đề về ô nhiễm môi trường, các vấn đề về an toàn lao động, bảo hộ về sức khỏe cho người lao động cũng chưa thực sự được quan tâm. Đặc biệt, vấn đề an toàn và quyền lợi của bộ phận người kinh doanh tại Lào cũng còn nhiều vướng mắc, hầu hết các hộ đều phải “tự bơi nơi xứ người”.
Khó khăn vẫn luôn hiện hữu, tuy nhiên, với ý chí quyết tâm, sự nhạy bén với thời cuộc của người dân, cùng sự quan tâm ngày càng lớn từ các cấp quản lý, Diễn Tháp vẫn đang được kỳ vọng lớn với sự phát triển mạnh hơn trong tương lai. Những chuyến xe tải chở hàng vẫn tấp nập ra vào và ý chí vươn lên làm giàu của người dân “xã tỷ phú” là tấm gương cho những làng nghề khác vươn lên.
Hiến Nguyễn