HTX nông nghiệp Phước Quang đang thực hiện sản xuất lúa giống trên cánh đồng rộng 120 ha, thu hút 450 hộ tham gia. HTX liên kết với Công ty giống cây trồng Thái Bình chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên để thực hiện bao tiêu lúa giống cho thành viên và người dân.
Thân thiện môi trường
Để hỗ trợ thành viên, HTX đã cùng các các bộ kỹ thuật tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ để tuyên truyền cho thành viên về phương pháp, kỹ thuật trồng lúa cải tiến. Theo đó, thành viên và người dân sẽ được chuyển giao kỹ thuật: giảm mật độ giống, giảm lượng nước tưới, bón phân cân đối hợp lý.
Thành viên áp dụng kiến thức về thâm canh lúa cải tiến nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt hơn, đẻ nhiều nhánh và tập trung đẻ ở giai đoạn đầu. Mỗi khóm lúa có nhiều bông, tỷ lệ hạt chắc trên bông cao hơn. Ngoài ra, lượng giống giảm, việc tưới theo phương pháp ướt khô xen kẽ, đưa nước vào mặt ruộng từ 3- 5cm, tích nước 5- 7 ngày rồi xả nước khỏi ruộng cũng giúp tiết kiệm khoảng 30% lượng nước tưới. Nhờ đó, thành viên và người dân đã tiết kiệm đáng kể chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, giống, phân bón mà hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn những năm trước.
Thực tế triển khai sản xuất theo mô hình trồng lúa cải tiến 3 năm qua, các thành viên HTX nhận thấy, so với tập quán trồng lúa truyền thống, phương pháp này giúp giảm được lượng giống, giảm lượng phân đạm, thuốc bảo vệ thực 20- 30%, tăng năng suất lúa từ 7- 8 tạ/ha, tăng hiệu quả kinh tế từ 8- 10 triệu đồng/ha.
![]() |
Hội thảo đầu bờ giúp người dân vừa nắm được lý thuyết vừa được thực hành các kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến. |
Khi áp dụng những kỹ thuật thâm canh cải tiến, mô hình sản xuất của HTX luôn bảo đảm thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững. Bởi trong quá trình sản xuất, việc giảm giống và tưới nước xen kẽ giúp lúa kháng bệnh tốt nên ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là tăng cường phân vi sinh và phân hữu cơ nên hạn chế phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của ngành chức năng, mô hình trồng lúa cải tiến mang lại hiệu quả và năng suất cao nên được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Hoạt động sản xuất của HTX được đánh giá là bền vững vì phù hợp với nhu cầu thị trường.
Hiện, HTX Phước Quang đang góp phần nâng cao ý thức cho bà con nông dân, tạo ra sản phẩm lúa thương phẩm an toàn để bảo vệ sức khoẻ con người, tăng giá trị hàng hóa hướng đến xuất khẩu.
Tạo niềm tin cho thành viên
Không chỉ nắm được các kỹ thuật tiên tiến, tham gia HTX, thành viên và người dân còn được hướng dẫn kỹ thuật làm phân hữu cơ vi sinh, kỹ thuật xử lý rơm rạ bằng bằng chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó, nông dân được tham gia hội thảo đầu bờ để trực tiếp trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm, cách thức chăm sóc lúa và những khó khăn khi áp dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến.
Trung bình mỗi vụ, HTX thu mua của nông dân trung bình 400 – 450 tấn thóc giống, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận 1,25 lần so với sản xuất lúa thông thường, tạo nguồn thu ổn định cho thành viên.
![]() |
Liên kết với doanh nghiệp thu mua lúa giống giúp người dân yên tâm sản xuất. |
Trên cơ sở hoạt động kinh doanh của HTX trong thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của địa phương, hiệu quả của sản xuất lúa được nâng lên rõ rệt cả về kỹ thuật, kinh tế lẫn xã hội khi tạo lòng tin lớn cho thành viên.
Chị Lê Thị Tuyết Mai, thành viên HTX, cho biết nhờ có sự hỗ trợ của HTX mà chị được học hỏi thêm nhiều kiến thức, hiểu nhiều về kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến. Chị và nhiều người hiểu được tác dụng của giảm lượng giống, giảm lượng phân ure, giảm sử dụng thuốc BVTV hóa học.
“Cứ 3 sào (1.346 m2), tôi giảm được hơn 3 kg lúa giống, quá trình bón phân tôi cũng giảm gần 6kg Ure, việc phun thuốc trừ sâu cũng chỉ giảm xuống còn 1-2 lần trong khi lúa ít bệnh hơn so với canh tác lúa truyền thống”, chị Mai cho biết.
Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục liên kết mở rộng diện tích sản xuất lúa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cải tiến trên cánh đồng mẫu lớn và tiêu thụ giống lúa theo chuỗi, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho thành viên.
Vĩnh Bảo