Hiện, quy mô trang trại của HTX rộng 15 ha, trong đó kết hợp nuôi giun quế, trồng cây cảnh, cây ăn quả, hoa lan chất lượng cao…
Đem lại giá trị kinh tế
Được sự đồng ý của UBND xã Phù Đổng, HTX đã xây dựng 1.500m2 nhà xưởng nuôi giun quế. Nhà xưởng bảo đảm cao ráo, thoáng mát nhưng hạn chế ánh sáng để giun tập trung phát triển 24/24 giờ.
Diện tích nhà xưởng được chia làm 3 khu nuôi, gồm: Khu giun giống, giun thịt và phân giun. HTX còn đầu tư thêm cả hệ thống phun sương để giữ ẩm chuồng trại, tạo điều kiện thuận lợi cho giun phát triển.
Môi trường sống, thức ăn của giun quế chủ yếu là phân gia súc, chính vì vậy, HTX đã thu gom phân bò, lợn, trâu… trên địa bàn xã và cả một số xã lân cận để làm thức ăn cho giun. Mỗi ngày, HTX cần khoảng 12 tấn phân, chất thải để đáp ứng nhu cầu phát triển của đàn giun.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng - Chủ tịch HĐQT HTX, HTX đã tiến hành cho giun ăn theo hình thức ăn chìm thay cho hình thức nổi, tức là để thức ăn dưới các đáy thùng, bảo đảm cho giun ăn liên tục trong 1 tháng, nên năng suất cao hơn mà không phải mất nhiều thời gian, công sức như trước.
Cứ một tấn phân gia súc đưa vào trại nuôi giun, chỉ sau khoảng 30 ngày sẽ cho lượng phân vi sinh tương đương. Trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất khoảng 12 tấn phân vi sinh.
Đến nay, diện tích giun quế đã mang lại hiệu quả với sản phẩm là giun quế thành phẩm, giun quế giống và phân sạch từ giun quế. Với giá bán 20.000 đồng/kg sinh khối (giun giống), 100.000 đồng/kg giun thành phẩm và 2.500 đồng/kg phân sạch, HTX đã cung cấp giống và phân bón cho nhiều trang trại lớn ở miền Bắc và trên địa bàn Hà Nội, đồng thời, phân giun quế cũng là nguồn phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng cho diện tích cây ăn quả, hoa lan, cây cảnh của chính HTX, giúp HTX giảm tối đa lượng phân bón cho cây trồng.
![]() |
Nhà nuôi giun quế của HTX
Bảo vệ môi trường
Sử dụng phân giun quế giúp HTX thành công trong quá trình sản xuất theo hướng hữu cơ vì không phải sử dụng các loại phân khác lại vừa đảm bảo năng suất, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Phù Đổng là địa phương nổi tiếng với nghề nuôi bò sữa. Tuy nhiên, người dân nơi đây phải sống chung cảnh ô nhiễm vì phân bò nhiều mà không được xử lý kịp thời và hợp lý, nên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Theo UBND xã Phù Đổng, tình trạng ô nhiễm môi trường do phân bò diễn ra nhiều năm nhưng các cấp chính quyền địa phương chưa tìm ra biện pháp giải quyết vì lượng phân rất lớn (khoảng 20 tấn phân/ngày).
Ngoài một số hộ dân sử dụng làm hầm biogas còn hầu hết số phân đó được đổ ra ao, hồ, mương, rãnh, thậm chí đổ ra vệ đê, rất hôi thối và mất mỹ quan.
Không những thế, sau mỗi trận mưa, chất thải chảy xuống ao hồ trong các thôn xóm, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề.
Từ khi HTX Hiệp Thư ra đời và tiến hành thu phân gia súc để phát triển giun quế đã giúp địa phương giải bài toán môi trường, khi lượng phân bò không còn tràn lan ngoài đường, mùi hôi thối không còn, ruồi nhặng cũng không phát sinh, môi trường sống của người dân được đảm bảo.
Tuy nhiên hiện nay, HTX đang đẩy mạnh mở rộng diện tích giun quế nên lượng phân gia súc dần cạn kiệt. Chính vì vậy, thay vì đi thu gom như trước, HTX hiện phải mua phân bò của các hộ chăn nuôi với giá 2.000 đồng/xô để bảo đảm nguồn thức ăn cho giun. Mỗi tháng, HTX chi khoảng 10 triệu đồng mua phân bò cho các hộ chăn nuôi.
HTX đã chủ động phát xô có nắp đậy cho các hộ chăn nuôi, sau đó nhờ các hộ chở đến. Đây là việc làm tích cực, giúp giảm tình trạng phân gia súc chảy tràn lan ra ngoài đường, ao hồ, cống rãnh, đồng thời nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường sống, chăn nuôi khoa học.
Như Yến