Huyện Buôn Đôn vốn nổi tiếng là “thủ phủ” voi Tây Nguyên, nhưng hiện nay, du khách đến với vùng đất bên bờ sông Sêrêpốk hừng hực sức sống này không những chỉ được trải nghiệm du lịch với những chú voi hiền lành, mà còn được thưởng thức nhiều đặc sản do người dân nơi đây làm ra, trong đó có các thành viên của HTX Nông nghiệp và Du lịch Sêrêpốk 3.
Từ liên kết nhóm...
Địa bàn xã Tân Hòa – huyện Buôn Đôn nằm trên trên tỉnh lộ 1, là cửa ngõ nối liền từ TP Buôn Ma Thuột đến khu du lịch Bản Đôn thuận tiện giao thông, đất đai rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, thuận tiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tận dụng được nguồn nhân lực lao động. Tuy nhiên, thực tế sản xuất nông nghiệp của các hộ dân lại nhỏ lẻ manh mún tự phát, riêng biệt, sản xuất các sản phẩm ra bị thương lái o ép, không tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bị phụ thuộc vào các đại lý bán lẻ trên địa bàn.
HTX Nông nghiệp và Du lịch Sêrêpốk 3 giới thiệu các sản phẩm trái cây tươi (Ảnh: Tư liệu) |
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch Sêrêpốk 3 Đỗ Văn Long (thôn 9, xã Tân Hòa) cho biết, vườn nhà anh nằm trong số diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn trái đầu tiên tại vùng đất này. Trước đó, anh chỉ trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, sắn, đậu. Vườn gần nguồn nước, nhưng đất cằn cỗi khiến cây trồng phát triển kém, năng suất không cao. Sau khi tìm hiểu mô hình trồng cây ăn trái tại các vùng khác có chất đất tương tự, năm 2013, anh Long bắt đầu chuyển đổi dần 2ha đất trồng hoa màu sang canh tác cây cam, quýt, bưởi.
Những diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái đầu tiên trong vùng cho năng suất cao, thu nhập tốt, nên một số nông dân khác bắt đầu học tập, nhân rộng. Tuy nhiên, việc tăng trưởng "nóng" về diện tích đã khiến nguồn cung các sản phẩm trái cây như cam, quýt, ổi… tăng mạnh, trong khi các loại trái cây này hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái và chỉ bán chủ yếu tại các chợ trong địa bàn tỉnh nên việc bị ép giá khi trái cây vào chính vụ là điều khó tránh khỏi.
Nhận thấy tình trạng đó, đầu năm 2018, anh Đỗ Văn Long cùng các nông hộ trong vùng thống nhất xây dựng vùng sản xuất cam, quýt, bưởi theo hướng VietGAP để cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Nhóm liên kết sản xuất cây ăn trái VietGAP Buôn Đôn được thành lập với 18 thành viên. Đến cuối năm 2018, Tổ chức chứng nhận VSCB đã cấp chứng nhận VietGAP cho 42,6ha trồng cây ăn trái của nhóm, với sản lượng dự kiến 641 tấn/năm.
Để được cấp chứng nhận VietGAP, các thành viên của nhóm phải mất gần một năm ròng thay đổi phương thức canh tác dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp. Thay vì chỉ can thiệp khi vườn cây có dấu hiệu sâu bệnh, từng thành viên được tập huấn kỹ về bản chất và các yếu tố phát sinh dịch bệnh để chủ động phòng tránh. Cây trồng cũng được bổ sung dinh dưỡng bằng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học với liều lượng hợp lý, tiết kiệm. Các thành viên của nhóm còn ứng dụng tốt các giải pháp phòng trừ sâu hại an toàn như bọc quả, nuôi kiến vàng, sử dụng bẫy dính trừ côn trùng… Nhờ tuân thủ tốt quy trình sản xuất VietGAP, các chỉ số xét nghiệm mẫu trái cây, đất, nước, không khí… trên toàn bộ diện tích của nhóm đều đạt chuẩn an toàn.
Không chỉ thay đổi phương pháp canh tác, các thành viên của Nhóm liên kết sản xuất cây ăn trái VietGAP Buôn Đôn còn ứng dụng biện pháp điều tiết ra hoa giữa các vườn, đảm bảo thời vụ thu hoạch rải đều trong năm, là một trong những điều kiện quan trọng để nhóm ký hợp đồng cung ứng mặt hàng trái cây lâu dài cho các siêu thị như VinMart, BigC…
...Đến lập HTX và mở hướng du lịch nông nghiệp
Thành công của Nhóm liên kết sản xuất cây ăn trái VietGAP Buôn Đôn đã tạo tiền đề cho HTX Nông nghiệp và Du lịch Sêrêpốk 3 ra đời vào giữa năm 2019. HTX có 38 thành viên với tổng diện tích canh tác lên đến 142 ha, định hướng xây dựng vùng cây ăn trái dọc sông Sêrêpốk kéo dài từ xã Ea Nuôl đến tận xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). HTX có vốn điều lệ là 1,5 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh các mảng: trồng cây ăn trái, du lịch sinh thái vườn, mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất cây giống, chăn nuôi gia súc gia cầm và các ngành kinh doanh khác theo đăng ký giấy chứng nhận.
Thành viên HTX Nông nghiệp và Du lịch Sêrêpốk 3 trao đổi về kỹ thuật canh tác và điều tiết cam sành ra trái đúng thời điểm (Ảnh: TL) |
Mục đích thành lập của HTX là nâng cao tinh thần đoàn kết của các hộ dân thuộc địa bàn xã Tân Hòa, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, hướng tới áp dụng nền khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển nhân rộng ra cộng đồng và cùng chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề xã hội, giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Đỗ Văn Long cho biết, mục tiêu đầu tiên của HTX là hướng toàn bộ thành viên sản xuất theo chuỗi, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững để tăng chất lượng và giá trị các loại cây ăn trái mà bà con trong vùng đang canh tác như cam, quýt, ổi, bưởi, nhãn, mít, hồng xiêm… HTX đã tiến hành phân tổ, phân vùng canh tác, thuê kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật cho từng tổ và cử một số thành viên tham gia các khóa tập huấn về nông nghiệp để giám sát kỹ thuật của từng tổ theo đúng quy trình và lịch sản xuất do HTX đề ra. Hiện nay, HTX đang canh tác 120ha cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP và đã có đầu ra tương đối ổn định.
Chị Nguyễn Thị Mai ở thôn 9, xã Tân Hòa, một trong 38 thành viên của HTX cùng tham gia liên kết sản xuất cây ăn trái cho biết, gia đình chị hiện có 2,4ha đất trồng các loại trái cây như: cam, quýt, bưởi da xanh. Vườn cây ăn trái của gia đình đã qua năm thứ 4 và bắt đầu cho thu đại trà. Ước tính với giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg cam, quýt thì gia đình chị sẽ thu về từ 180 – 200 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận cao hơn hẳn nhiều loại cây trồng khác.
Thuận lợi của HTX hiện nay là phần lớn các vườn bố trí dọc sông Sêrêpốk và Thủy điện Sêrêpốk 3, là vùng tiềm năng để khai thác du lịch. Vì thế, ngay từ khâu tổ chức sản xuất, HTX đang định hướng thành viên xây dựng vườn cây hợp lý để tạo cảnh quan phục vụ cho du lịch trong tương lai. Ngoài tiềm năng về dịch vụ tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức trái cây sạch ngay tại vườn, HTX còn có lợi thế về các mặt hàng thủy sản và hình thức tham quan, trải nghiệm tại các lồng bè nuôi cá trên sông Sêrêpốk. Đây được xem là một chiến lược dài hơi, cần được đầu tư nhiều về công sức, tiền bạc. Vì vậy, HTX đang xây dựng dự án, tham vấn các cơ quan chức năng cũng như kêu gọi đầu tư từ các đối tác có năng lực về tài chính và giàu kinh nghiệm trong việc tổ chức du lịch để biến nơi đây thành một vùng sinh thái nông nghiệp lý tưởng trong tương lai không xa.
Đức Nguyễn