Theo UBND xã Tam Đa, làng Đại Lâm có hơn 1000 hộ dân, với hơn 5000 nhân khẩu. Hiện tại, trên toàn địa bàn làng nghề ước tính có khoảng 150 hộ nấu rượu sắn, 300 hộ nấu rượu gạo. Trung bình 1 hộ cho ra lò 120 - 200 lít rượu/ngày. Sản phẩm được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành như: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội…
Rượu "bẩn" hại làng nghề
Sự cạnh tranh gay gắt từ các dòng sản phẩm rượu khác khiến nghề nấu rượu của người Đại Lâm ngày càng khó khăn. Để cạnh tranh về giá cả, nhiều hộ sản xuất đã "nhắm mắt làm liều" với các loại rượu kém chất lượng, chủ yếu là rượu cồn.
"Chính các vụ việc liên quan đến rượu pha cồn, khiến cho hình ảnh của rượu Đại Lâm xấu đi trong mắt người tiêu dùng. Dù chỉ là thiểu số, nhưng những việc này khiến nghề nấu rượu của người dân ngày càng khó khăn và có nguy cơ bị mai một", ông Hoàng Đắc Tư, Chủ tịch UBND xã Tam Đa, chia sẻ.
Bên cạnh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn nạn ô nhiễm môi trường làng nghề. Thống kê cho thấy mỗi ngày làng nghề Đại Lâm thải ra môi trường trên 2000 m3 nước thải. Tận dụng các phụ phẩm từ nấu rượu, nghề chăn nuôi cũng có điều kiện phát triển. Trung bình mỗi hộ trong thôn nuôi 20 con lợn/năm. Chất thải từ chăn nuôi và nấu rượu khiến môi trường Đại Lâm đang bị ô nhiễm nặng.
![]() |
Đại Lâm sẽ còn nhiều điều phải làm để phát triển làng nghề bền vững
Theo kết quả điều tra môi trường toàn tỉnh Bắc Ninh, vừa qua, làng nghề Đại Lâm (cùng vời làng bún Khắc Niệm), là 1 trong 2 làng nghề có mức độ ô nhiễm cao nhất, với 48/450 chỉ tiêu ô nhiễm vượt giới hạn cho phép…
Người dân Đại Lâm cho biết mỗi ngày làng đón hàng chục xe tải chở rượu, trở lợn, trở chất thải ra vào. Con đường chính của làng quá tải, xuống cấp nghiêm trọng. Không khí ẩm mốc bởi mùi chua của sắn, gạo nấu rượu. Chất thải chăn nuôi gây mùi khó chịu. Cùng với đó, nguồn nước trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng.
Tìm hướng đi bền vững
Phòng Y tế xã Tam Đa cho biết: "Khoảng 7 - 8 năm trở lại đây, ô nhiễm đang khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số người bị mắc bệnh viên gan B ngày càng tăng. Trung bình mỗi năm, làng có từ 3 - 5 người chết vì ung thư. Các bệnh da liễu, đau mắt hột, đường hô hấp… cũng diễn biến phức tạp".
Những rào cản về chất lượng sản phẩm, môi trường làng nghề, đang đẩy người dân làm nghề ở Đại Lâm vào "thế khó". Nếu không có sự định hướng và những bước đi đúng trong tương lai, sự phát triển hiện tại có thể sẽ "vỡ như bong bóng". Những thách thức đòi hỏi người dân và chính quyền địa phương cần có những giải pháp, nhằm tìm ra những hướng đi mang tính bền vững.
"Được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, hiện tại, Đại Lâm đã có hệ thống nước sạch với công suất 1.300 m3/ngày, đáp ứng nhu cầu của 70% hộ dân trong thôn. Công trình thu gom, xử lý nước thải, thoát nước (hoạt động từ năm 2009), với tổng chiều dài gần 4.500m, cũng đang hoạt động tốt. Xã cũng đang có kế hoạch quy hoạch diện tích đất riêng cho các cơ sở nấu rượu và chăn nuôi", ông Hoàng Đắc Tư cho hay.
Để bảo vệ môi trường sống, bên cạnh chính sách của chính quyền, trách nhiệm của người dân cũng đóng vai trò quan trọng. Mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh, tích cực trong công tác thu gom, xử lý chất thải. Đầu tư máy móc, nâng cao công nghệ sản xuất...
Sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng, cùng với ý thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường làng nghề, sẽ là cơ sở để làng nghề rượu truyền thống Đại Lâm phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Văn Hiến