Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ, hiện tại làng có trên 900 hộ làm nghề, chiếm gần 90% tổng số hộ. Nghề rèn cung cấp việc làm cho gần 4.000 lao động trong và ngoài địa bàn. Thu nhập bình quân của các hộ giao động từ 80 - 120 triệu đồng/năm. Với các hộ đầu tư công nghệ, máy móc, thu nhập bình quân có thể lên 150 - 200 triệu/năm.
![]() |
Đa Sỹ được mệnh danh là làng “inh tai nhức óc”
“Cứu tinh” kinh tế địa phương
Ông Hoàng Quốc Chính - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ, cho biết: “Nghề rèn ở Đa Sỹ đã có truyền thống hàng trăm năm với hai vị tổ nghề Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuấn. Trước đây, nghề rèn chỉ là nghề “tay trái” sau sản xuất nông nghiệp, làm lúc nông nhàn. Kể từ năm 2005, khi quá trình đô thị hóa bắt đầu, nghề rèn trở thành nghề chính và là “cứu tinh” cho kinh tế địa phương”.
Tương truyền, nghề rèn tại Đa Sỹ đã có từ thời Hùng Vương thứ 18. Nhưng chỉ thực sự có có quy mô từ năm 1960, với việc thành lập các HTX rèn. Đến năm 1996 làng có hơn 300 lò rèn. Năm 2000 làng đã có 500 lò rèn. Và đến nay, 90% số hộ trong làng với hơn 700 hộ trực tiếp làm rèn và gần 200 hộ làm các nghề liên quan đến rèn (cung cấp nguyên liệu, máy móc…).
Trải qua nhiều khó khăn khi kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, nhưng nghề rèn tại Đa Sỹ đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Các hộ làm nghề đã từng bước nâng cao kỹ năng, đầu tư công nghệ, máy móc để giảm sức lao động, tăng năng xuất. Các sản phẩm rèn Đa Sỹ đã có thị trường tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước và xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia…
Anh Nguyễn Văn Thanh - một chủ lò rèn, chia sẻ: “Nhờ có nghề rèn, đời sống của người dân làng tôi ngày càng được nâng cao. Tuy hơi bụi bặm, mặt lúc nào cũng nhem nhuốc, nhưng không quá vất vả vì có máy móc trợ giúp. Cơ sở của tôi có 5 công nhân, mỗi năm cũng lãi được trên 100 triệu đồng. Các xưởng lớn thu nhập vài trăm triệu mỗi năm không hiếm”.
Phát triển sản xuất sạch hơn
Đem lại những thành tích đáng khen ngợi về kinh tế, nhưng vấn đề ô nhiễm lại trở thành thách thức. Không gian sản xuất chật hẹp khiến các hộ phải tận dụng các không gian gần nhà, gần đường để sản xuất gây ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Thông tin từ trạm y tế Đa Sỹ, nghề rèn gây ô nhiễm đất, không khí, nước, tiếng ồn khiến tỷ lệ bệnh về hô hấp, mắt, khớp tăng đáng kể.
Theo thống kê, làng có hơn 700 hộ làm nghề, nhưng chỉ chưa đầy 100 hộ có búa máy, còn lại gần 600 hộ đều rèn thủ công. “Để có diện tích đặt máy, các xưởng sản xuất cần rộng tối thiểu từ 150m2 trở lên. Hầu hết các xưởng trong làng hiện tại đều không đạt yêu cầu”, anh Luân - một chủ xưởng rèn, cho hay.
Để giải quyết tình trạng trên, một dự án xây dựng khu sản xuất tập trung rộng gần 14 ha đã được phê duyệt từ năm 2008. Dự kiến đến tháng 7/2009, dự án phải được hoàn thành và bàn giao. Tuy nhiên, gần 7 năm trôi qua, dự án vẫn chưa hoàn thành, nhiều hạng mục vẫn bị bỏ hoang.
Trước thực trạng ô nhiễm tại Đa Sỹ ngày càng gia tăng, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC) đã xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất sạch hơn tại một số cơ sở rèn. Cơ sở thí điểm được đầu tư 380 triệu (trong đó, 80 triệu sửa nhà xưởng, 300 triệu mua máy móc).
Bà Nguyễn Thị Huệ - chủ cơ sở trong dự án thí điểm, cho biết: “Sau khi mô hình triển khai, môi trường sản xuất tại xưởng đã được cải thiện, chất lượng sản phẩm cao, đồng đều, giảm nhân công đáng kể. Hiện, cơ sở của tôi đạt 50 tấn sản phẩm/năm, tổng doanh thu gần 1,7 tỷ đồng”.
Những giải pháp khắc phục ô nhiễm đã có, việc cần làm là đẩy nhanh các giải pháp vào thực tế để phát huy hiệu quả. Đặc biệt, dự án khu sản xuất tập trung, đã trậm hơn 6 năm, cần nhanh chóng được hoàn thành để giải quyết khó khăn, đảm bảo sản xuất và sức khỏe cho người dân.
Văn Hiến