Văn Thai là một trong những làng nghề truyền thống của huyện Cẩm Giàng với nghề giết mổ gia súc, phát triển từ thập niên 80. Trước đây, hầu như các hộ gia đình tại làng đều tham gia giết mổ gia súc, mỗi ngày giết mổ khoảng 40 - 50 con, những ngày lễ, Tết lên tới 60 - 70, thậm chí là 80 con. Chính vì vậy, ô nhiễm môi trường đã bủa vây người dân nơi đây.
Một thời ô nhiễm
Theo Sở TN&MT tỉnh Hải Dương, ô nhiễm môi trường từ phụ phẩm giết mổ gia súc tại Văn Thai là vô cùng nặng nề, từ đất, nước đến không khí.
Khi giết mổ gia súc, mỗi gia đình làm nghề thải ra môi trường trung bình 4 - 5m3 nước/ngày. Tất cả nước thải từ phụ phẩm giết mổ gia súc đều được thải trực tiếp ra ao hồ, ruộng lúa xung quanh làng. Đó là chưa kể đến lượng nước tiểu do trâu bò thải ra môi trường hàng ngày với mùi khai nồng nặc.
Đa số lượng xương gia súc không sử dụng nên mỗi gia đình đều có một nhà kho chứa xương, những nhà kho này quanh năm bốc mùi hôi thối, để lâu, xương phân hủy thành những lớp dòi, bọ dày 2 - 3 phân. Đến khi nhà chứa xương và phế thải không đủ thì người dân đã vứt xương đầy ra ngoài đường thành từng đống cao hơn đầu người, hoặc ngâm xuống ao, khiến tình trạng ao đổi màu đen và bốc mùi hôi thối. Ruồi nhặng bay thành từng đàn.
![]() |
Hầm biogas của một hộ gia đình tại Văn Thai
Trong khi đó, để tránh ô nhiễm, người dân chỉ biết đốt trấu cho bớt mùi, sử dụng nước máy và sống chung với muỗi... Một số phương án khắc phục ô nhiễm môi trường cũng đã được đưa vào áp dụng tại Văn Thai, như xử lý xương bằng công nghệ hiếm khí, bằng chế phẩm E.M và khu giết mổ tập trung, nhưng các phương án trên đều không khả thi, do kinh phí cao, quản lý điều hành khó do các hộ không có kinh phí đầu tư, hộ giết mổ không ổn định, nhiều hộ giết mổ nhỏ lẻ, theo mùa vụ...
Cứu tinh từ hầm biogas
Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường ở làng giết mổ Văn Thai phần nào được cải thiện. Nguyên nhân là lượng trâu bò thịt hiện nay không còn nhiều như trước. Số hộ tham gia nghề giết mổ cũng giảm. Cả làng hiện nay còn khoảng 20 hộ làm nghề, trong đó có 8 hộ giết mổ thường xuyên.
Mỗi ngày, trung bình mỗi hộ giết mổ khoảng 10 - 15 con gia súc và số phụ phẩm từ giết mổ (xương, da, tiết, gân guốc...) đều được người dân liên hệ, bán cho các chủ cơ sở sản xuất cám chăn nuôi chứ không để trong kho hay ngâm xuống ao như trước...
“Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương đã vận động và yêu cầu bà con tiến hành xây dựng hầm biogas. Phương án này giúp các chất thải hầu như được thải hết ra hố gas, sau đó, các phế thải khác sẽ được chở đến một khu chôn lấp tập trung trong xã”, ông Nguyễn Tiến Chức - Chủ tịch UBND xã Cẩm Văn, cho biết.
Khi thực hiện xây dựng hầm biogas, mỗi hộ cũng giảm đến 70% chất thải. Hiện, trong làng có 60 hầm biogas/1.200 hộ, nhiều hộ không làm nghề giết mổ cũng xây hầm biogas để thuận lợi cho công việc nuôi gia súc, gia cầm.
Khi xây dựng hầm biogas, người dân lại có gas để sử dụng - đó là cái lợi mà bất kỳ người dân nào cũng có thể thấy được. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường được giảm tối đa, môi trường không khí được cải thiện, người dân không còn mắc các bệnh ngoài da, tiêu chảy…
Theo ông Chức, để làm được điều đó, nâng cao ý thức người dân là điều vô cùng quan trọng. Chính quyền địa phương đã phối hợp với Hội Phụ nữ của xã phổ biến những hiệu quả mà hầm biogas mang lại để người dân thực hiện sao cho hiệu quả và an toàn.
Tuy đầu tư xây dựng hầm biogas là biện pháp không hề mới, nhưng đây được đánh giá là phương án khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế và đặc thù của địa phương. Giờ đây, tình trạng mùi hôi thối nồng nặc ở Văn Thai đã được cải thiện.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục duy trì nghề giết mổ gia súc, ý thức người dân vẫn luôn là yếu tố quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ chính mình và người thân.
Như Yến