Theo thống kê, làng Tề Lỗ có khoảng hơn 1.000 hộ dân tham gia làm nghề “mổ xe” và các nghề kinh doanh có liên quan đến thu mua, tái chế phế liệu (chiếm tới 70% số hộ trong xã). Mỗi năm tổng giá trị sản xuất từ làng nghề đạt khoảng 8,5 tỷ đồng, chiếm 30% tổng giá trị sản xuất của các ngành nghề kinh tế trong xã.
Mặt trái ở làng tỷ phú
Anh Trần Xuân Lộc - Bí thư Đoàn xã Tề Lỗ, cho biết: “Làng nghề có khoảng 600 - 700 bãi “mổ xe” lớn nhỏ khác nhau. Hầu hết các chủ xưởng đều là tỷ phú. Nếu chỉ tính mức tài sản từ 5 tỷ trở lên thì Tề Lỗ có khoảng 75 hộ. Phải khẳng định là tỷ lệ hộ dân có xe hơi ở Tề Lỗ phải thuộc dạng cao nhất cả nước, số lượng xe phải tính bằng 3 con số”.
Sự phát triển vượt bậc về kinh tế là thành quả của nghề “mổ xe” cũ mà theo người dân làng nghề là “chẳng bao giờ sợ lỗ”. Anh Nguyễn Minh Vương - chủ bãi xe tại Tề Lỗ, chia sẻ: “Tùy từng “con” (chiếc xe), trừ chi phí kéo về, lắp ráp, thay thế phụ tùng… lãi từ vài chục đến vài trăm triệu. Lãi lớn nhất là những loại trên 1 tỷ đồng, con nào “ngon” thì lãi từ 100 - 200 triệu đồng, bình thường thì từ 50 - 70 triệu đồng. Nhưng nghề này phải có “mắt nhìn” để đánh giá giá trị của xe, nhìn sai là chết, là lỗ ngay”.
Kinh tế phát triển nhanh, tuy nhiên môi trường tại Tề Lỗ lại đang suy thoái nghiêm trọng. Theo thống kê, mỗi ngày làng nghề thải ra từ 2 - 3 tấn gỉ sắt. Hàng trăm bãi phế thải lốp xe cũ, sắt vụn, nhớt thải, ắc quy hỏng, giẻ lau dầu mỡ… trong sân vườn, tràn ra hai bên đường, vừa gây cản trở giao thông, vừa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Kết quả phân tích của Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc, cho thấy các mẫu nước tại khu vực làng nghề đều bị ô nhiễm nặng. Các hàm lượng BOD5, COD có trong nước vượt tiêu chuẩn cho phép 6,86 lần, nhất là ở các thôn Đầm Bí, Làng Giã, Giã Bàng chất lượng nước đã bị suy giảm nghiêm trọng.
Các bãi “mổ xe” tràn ra đường gây ô nhiễm môi trường
Quy hoạch tập trung, giảm thiểu ô nhiễm
Nguy hiểm nhất là nước tại các hồ, đầm và khu vực sông Phan đều có màu xám, nâu đen, sậm đen mùi hôi, tanh làm cho các loại cá, cua, rong tảo... khó phát triển, nhiều nơi không sống được. Bên cạnh đó nồng độ bụi trong không khí cũng quá cao từ 0,35 - 2,20mg/m3, vượt quá mức cho phép từ 1,16 - 7,33 lần.
Trước thực trạng ô nhiễm đang đe dọa đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững của làng nghề, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện dự án quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề Tề Lỗ, với tổng diện tích trên 7 ha. Có phương án đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng gồm điện, đường, hệ thống cấp nước, thông tin liên lạc tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, dự án đi vào hoạt động từ năm 2010, nhưng đến nay hoạt động vẫn chưa hiệu quả.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, UBND xã Tề Lỗ đã nhanh chóng xây dựng các bãi rác thải tập trung, có công nghệ xử lý triệt để. Xã cũng đã thành lập các đội phụ trách quản lý khâu xả thải, quản lý các trường hợp vi phạm. Các chất thải nguy hại phải được phân loại ngay trong quá trình sản xuất.
Ông Bùi Đức Hoan - Chủ tịch xã Tề Lỗ, cho biết: “Cụm công nghiệp đang được đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bãi tập kết rác thải, nhiều cơ sở đã áp dụng biện pháp xử lý nước thải, rác thải, khí thải có hiệu quả. Cụm CN - TTCN đi vào hoạt động, dự kiến mỗi năm tái chế từ 800.000 - 1.000.000 sản phẩm nhựa, tái chế phế thải kim loại từ 2.500 - 3.000 tấn, đạt giá trị sản xuất từ 10 - 11 tỷ đồng, thu hút từ 800 - 900 lao động”.
Văn Hiến