Làng nghề Phong Khê nổi tiếng từ xưa với nghề sản xuất giấy Dó cung cấp cho làng tranh Đông Hồ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, hiện nay, Phong Khê là nơi sản xuất, tái chế cung cấp các sản phẩm giấy sinh hoạt cho thị trường Hà Nội và toàn bộ khu vực miền Bắc.
Ô nhiễm trầm trọng
Theo số liệu từ UBND phường Phong Khê, địa phương hiện có 95% hộ dân làm nghề, với 203 DN trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tái chế giấy sinh hoạt.
Ông Lê Văn Tấn - Phó Chủ tịch UBND phường Phong Khê, cho biết nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh từ những làng nghề này mà mỗi năm mang lại cho Phong Khê từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Kinh tế địa phương ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.
Quy mô sản xuất giấy ở Phong Khê ngày càng mở rộng và phát triển theo hướng sản xuất công nghiệp, nên số lượng cũng như chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, sự phát triển sản xuất quá "nóng" dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đây đang là bài toán nan giải cho người dân cũng như chính quyền nơi đây.
![]() |
Con sông Ngũ Huyện Khê đang bị các làng nghề "bức tử"
Theo số liệu của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, hàng ngày, làng tái chế giấy Phong Khê thải ra môi trường khoảng 4.500 - 5.000m3 nước thải chứa lượng độc tố cao gấp hàng chục lần, thậm chí là hàng trăm lần tiêu chuẩn cho phép, như: hàm lượng chất rắn lơ lửng cao hơn từ 4,5 - 11 lần; hàm lượng COD cao hơn từ 8 - 500 lần; hàm lượng Pb cao hơn 5,5 lần…
Kết quả phân tích của đơn vị quan trắc địa phương cũng cho thấy hầu hết các chỉ số ô nhiễm môi trường trong mẫu bùn ở đáy sông Ngũ Huyện Khê, đoạn đi qua làng nghề Phong Khê, đều cao hơn so với đoạn trước khu vực làng nghề từ 1 - 2 lần, có đoạn vượt từ 6,8 - 8 lần, thậm chí hàng trăm lần tiêu chuẩn cho phép.
Sắp có hệ thống xử lý nước thải
Trao đổi với TBKD, ông Nguyễn Mạnh Lân - Chánh Văn phòng Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, cho biết: "Thực hiện Quyết định 105 của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường ở các làng nghề, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định 249 về việc giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn của tỉnh.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phong Khê nói riêng cũng như các làng nghề trong toàn tỉnh nói chung, Sở đã phối hợp với Sở Công Thương và các ban, ngành liên quan cùng khảo sát, nghiên cứu tình hình thực tế để triển khai những chính sách cụ thể, nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, nước thải ở các làng nghề.
Ông Hà Minh Họa - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bắc Ninh, cho biết: "Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm là do hệ thống thoát nước và quy trình xử lý nước thải tại các làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu và quy mô phát triển tại các khu sản xuất; tiến độ một số dự án xử lý chất thải triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ; thậm chí có dự án đã hoàn thành lại gặp khó khăn về cơ chế vận hành, kinh phí…
Đối với tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phong Khê, UBND tỉnh đã cho xây dựng một hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề này với tổng kinh phí là 397 tỷ đồng, nguồn vốn được lấy từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, ngân sách của tỉnh và nguồn vốn đóng góp của các DN, nhân dân trên địa bàn. Hiện nay, công trình đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng kinh phí 197 tỷ đồng, công suất xử lý dự kiến khoảng 5.000m3 nước thải/ngày.
Trong tương lai không xa, khi hệ thống xử lý nước thải "trăm tỷ" được hoàn thành, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phong Khê sẽ được giải quyết triệt để.
Nguyễn Hiếu