Cũng như nhiều làng nghề khác, quy mô sản xuất của các hộ sản xuất trong làng nghề Bát Tràng (Hà Nội) chủ yếu là nhỏ và rất nhỏ, do mặt bằng sản xuất rất hẹp.
Thiếu đất sản xuất
Bà Hà Thị Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Gốm sứ Bát Tràng, cho biết tại Bát Tràng, số hộ thuê được mặt bằng sản xuất tại cụm sản xuất làng nghề còn rất nhỏ so với nhu cầu SX-KD. Để xây dựng được nhà xưởng trong cụm phải trải qua nhiều khâu thủ tục phiền hà, cán bộ chính quyền các cấp sách nhiễu, tiêu cực, phí lớn. Chính vì vậy, nhiều hộ phải sản xuất trong diện tích rất eo hẹp, chỉ “vỏn vẹn” trong khoảng 150 - 200 m2, trong đó bao gồm cả nơi ở và sinh hoạt.
Sản xuất gắn với sinh hoạt gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống dân cư, đặc biệt gây ô nhiễm môi trường. Nhiều hộ trong quá trình sản xuất, khâu nung đốt sản phẩm được thực hiện bằng nguyên liệu gas hóa lỏng, thậm chí bình gas và lò của nhà này đặt sát với buồng ngủ của nhà kia, là điều vô cùng nguy hiểm, gây rủi ro lớn khi xảy ra cháy nổ.
Bên cạnh đó, đó kiểu sản xuất này cũng gây ô nhiễm do bụi và than khí thải ra. Cả làng Bát Tràng có khoảng 1.150 lò nung gốm, trong đó 2/3 là lò gas hiện đại, còn lại là lò truyền thống, vẫn nung bằng than, khiến con đường vào làng luôn mù mịt bụi. Trong khi đó, trung bình mỗi lò nung gốm bằng than ở Bát Tràng thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn cho mỗi mẻ nung. Phế phẩm, phế liệu, đất nung, gốm sứ vỡ, hỏng, chất thành từng đống bên đường, mỗi khi mưa xuống, đường lầy lội, bẩn thỉu…
Cũng gặp khó về mặt bằng sản xuất, nhiều hộ gia đình tại làng gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cũng phải tận dụng nơi ở làm nơi SX-KD. Ông Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hiệp hội SX-KD gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, cho biết hiện làng có 3.000 hộ SX-KD đồ gỗ mỹ nghệ. Bình quân mỗi hộ chỉ có khoảng 120 m2 vừa để ở, vừa để sản xuất. Việc thiếu đất khiến nhiều hộ muốn mở rộng SX-KD cũng khó. Mặt bằng chật hẹp gây trở ngại cho việc đầu tư thiết bị tiên tiến và ứng dụng KH-KT cho sản xuất. Nguyên vật liệu phải “ăn đong” với giá cả biến động thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động SX-KD của các hộ dân.
Cũng vì thiếu đất, mà tại nhiều làng nghề diễn ra thực trạng lấn đất công. Từ đầu làng đến cuối xóm, cứ chỗ nào có đất trống, như khu sinh hoạt cộng đồng, ruộng vườn, thậm chí cả những khu nằm kề nhà vệ sinh, kênh mương, cống rãnh bẩn thỉu cũng được người dân tận dụng để làm nơi tập kết, phơi phóng nguyên vật liệu lẫn thành phẩm.
Đáng chú ý, không ít làng nghề sản xuất miến dong, bánh đa, ô mai phơi thành phẩm tại những nơi mất vệ sinh, gây lo ngại về vấn đề ATTP như tại một số làng nghề sản xuất ô mai, mứt Tết Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), làng miến Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội)…
![]() |
Miến dong của làng nghề phơi ngay bên vệ đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Nghịch lý “kẻ” thừa người thiếu
Điều đáng nói, trong khi đất chật người đông, nhiều làng nghề, dân thiếu đất sản xuất thì cũng tại chính những làng nghề đó, một phần diện tích đất thay vì dành cho các hộ kinh doanh trong làng lại trở thành dự án của một số DN, một số tổ chức làm ăn kém hiệu quả, để rồi đất nhận nhưng không làm gì, bỏ hoang tới cả chục năm. Người dân làng nghề “khát” đất ngay trên chính quê hương của mình.
Dẫn chứng về tình trạng này, ông Vương cho biết thời gian qua, chính quyền địa phương đã quy hoạch một khu đất rộng khoảng 70 ha cho một vài DN tại Hà Nội mở dự án đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, 8 năm qua, khu đất này vẫn bỏ hoang, trong khi các DN gỗ tại làng nghề lâm vào cảnh thiếu đất trầm trọng.
Hay có những trường hợp đất được cấp để làm khu tập trung cho làng nghề sản xuất, lại bị chính những hộ dân trúng thầu sử dụng sai mục đích, khiến các hộ khác trong làng nghề mất cơ hội mở rộng sản xuất. Điển hình gần đây là vụ việc xảy ra tại làng nghề mộc xã Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội).
Đầu năm 2008, xã Vân Hà được UBND huyện Đông Anh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cụm sản xuất làng nghề tập trung, với tổng diện tích gần 102.000 m2. Trong đó, hơn 80.000 m2 là đất dành cho cụm sản xuất tập trung làng nghề. Mục tiêu dự án là xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh đồng bộ cụm làng nghề tập trung tại xã Vân Hà, phát triển khu sản xuất tập trung tách khỏi khu dân cư, tập hợp các tổ chức, cá nhân sản xuất TTCN trên địa bàn xã cũng như các vùng lân cận. Thế nhưng, sau khi nhận đất, một số chủ đầu tư đã đua nhau chia ô, xây dựng trái phép, sử dụng đất sai với quy hoạch, biến đất dự án thành đất ở.
Nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần tổ chức rà soát lại mục đích sử dụng đất, thu hồi lại những diện tích đất được giao cho cá nhân, tổ chức nhưng không sử dụng để phân bổ hợp lý, ưu tiên tạo điều kiện cho người dân ở chính địa phương có điều kiện tiếp cận với khu chế xuất, khu quy hoạch riêng cho cụm sản xuất của làng nghề, để hóa giải thực trạng “khát” đất của những người dân tại nhiều làng nghề như hiện nay.
Thu Hường