Ông Nguyễn Xuân Bình, Tổ trưởng Tổ dân phố Đại Cát, chia sẻ: "Đô thị hóa về làng, diện tích đất bị thu nhỏ, đường thoát nước, chất thải tù đọng khiến môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Cộng thêm vấn nạn về an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, những tin đồn về đậu thạch cao, chất phụ gia,… khiến sản xuất của làng nghề đang gặp nhiều khó khăn".
"Thui chột" nghề vì ô nhiễm
Theo ghi chép của làng Đại Cát (nay là khu phố Đại Cát), nghề làm đậu có từ thời Hai Bà Trưng, trải qua hàng trăm năm phát triển, nghề làm đậu phụ trở thành nghề truyền thống của làng. Nhưng, đô thị hóa và ô nhiễm môi trường khiến nghề đậu truyền thống của thôn Đại Cát bắt đầu bị mai một. Từ con số 300 hộ làm đậu (chiếm 90% dân số của thôn), đến nay, chỉ còn hơn 40 hộ (trong tổng số 500 hộ) còn duy trì nghề.
Ông Nguyễn Quang Tuệ (70 tuổi), người con trong gia đình đã bốn đời làm đậu phụ cho biết: "Nghề làm đậu không quá vất vả, cho thu nhập khá và ổn định nếu biết kết hợp với chăn nuôi. Với máy móc hỗ trợ, năng suất, chất lượng của đậu được tăng lên, người làm đậu cũng đỡ vất vả hơn".
Người dân Đại Cát đang có chiến lược sản xuất và phát triển bền vững trong tương lai
Anh Hùng, con trai ông Tuệ, nhẩm tính, mỗi ngày nhà anh làm được từ 50 đến 60 kg đỗ với 1.000 đến 1.500 bìa làm được từ 50 đến 60 kg đỗ với 1000 đến 1500 bìa. Mỗi yến (10kg) hạt đỗ, trừ chi phí, sẽ được lãi khoảng 100 nghìn đồng. Trung bình, lãi khoảng 400-500 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, bã đậu làm ra cũng được anh tận dụng để nuôi đàn lơn hơn 30 con, mỗi năm hai lứa lợn thịt cũng giúp gia đình anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, sản xuất càng lớn, chất thải càng nhiều, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của những người xung quanh. Người dân trong làng cho biết: Ngày râm, mát thì còn đỡ. Vào những ngày nắng nóng hoặc mưa lớn chất thải bốc mùi, tràn lên đường, vào sân nhà rất bẩn và khó chịu.
Ông Nguyễn Xuân Bình cho biết: "Đã có rất nhiều lần người dân gửi đơn, phản ảnh trực tiếp, chính quyền cũng đã nhắc nhở các hộ làm nghề giữ gìn vệ sinh chung. Nhưng hệ thống thoát nước thải còn thiếu, lại không thể cấm người dân sinh nhai, nên khu phố và các cấp lãnh đạo cũng đang tìm giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề, đảm bảo đời sống cho người dân".
Sản xuất sạch, phát triển bền vững
Ông Nguyễn Mạnh Thiết, Chủ tịch UBND phường Liên Mạc, cho hay: "Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2014, phường Liên Mạc cũng dành nhiều quan tâm cho vấn đề cải tạo môi trường làng nghề của làng Đại Cát. Hơn 4 ha đất được quy hoạch để đưa các hộ làm nghề đậu phụ vào khu tập trung, xa dân cư, có hệ thống thoát thải tốt nhất để đảm bảo môi trường, phát triển làng nghề".
Đây cũng là mong muốn của các hộ làm nghề, ông Nguyễn Quang Tuệ bày tỏ: "Trước đây chất thải để bón ruộng, nhưng đô thị hóa, ruộng đất, cống thoát nước bị thu hẹp. Tôi rất mong được sự giúp đỡ của cơ quan chính quyền để xây dựng công trình xử lí chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường".
Ông Bình cũng cho biết, khu phố và các cấp trên cũng đang xây dựng nhiều kế hoạch để vừa nâng cao hiệu quả, phát triển sản xuất, vừa bảo vệ môi trường làng nghề, tạo ra một động lực phát triển bền vững cho thương hiệu Đậu Kẻ của làng nghề.
Rõ ràng, môi trường luôn là vấn đề nan giải, nhức nhối đối với các làng nghề truyền thống ở Việt Nam hiện nay. Nhưng, khó cũng phải làm, chỉ khi nào vấn đề môi trường được đảm bảo, đời sống của người dân mới được nâng cao. Môi trường có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, và khi sức khỏe không được đảm bảo, thì các vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội, an sinh sẽ còn chưa hiệu quả.
"Người làm nghề của làng nghề Đại Cát đang cố gắng hết sức để vừa phát triển sản xuất, duy trì nghề truyền thống của cha ông, vừa cố gắng bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, lâu dài. Đồng thời, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, đời sống của người dân làm nghề sẽ được đảm bảo, song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống", ông Bình tin tưởng.
Hiến Nguyễn