Làng Đại Bái nổi tiếng với nghề đúc đồng, với những sản phẩm như: tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, tranh câu đối bằng đồng… Hiện làng có 1.700 hộ làm nghề, trong đó có hơn 600 hộ làm đồ dân dụng, số hộ còn lại là sản xuất hàng mỹ nghệ, đúc cán các loại nguyên liệu đồng nhôm, dập xoong nồi…
Năm 2014, doanh thu từ làm nghề gò đúc giúp thu nhập bình quân đầu người của làng là 20 - 25 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, song song với việc phát triển thì môi trường làng nghề ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Thực trạng ô nhiễm
Đề cập đến thực trạng này, ông Nguyễn Công Thành - Bí thư Đảng ủy xã Đại Bái, cho biết: “Làng nghề đang phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng từ phát triển nghề gò đúc đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do rác thải của các hộ làm nghề đúc đồng, cô bã nhôm đổ bừa bãi ra môi trường, nước thải của các hộ làm nghề có hóa chất như axit, sút… không được quy hoạch vào khu tập trung để xử lý mà đổ trực tiếp ra các lòng sông, ao hồ, mương máng. Các hộ đúc, cô phế liệu cũng chưa xây dựng ống khói đạt tiêu chuẩn, đã làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của nhân dân trong làng”.
Hiện, ô nhiễm môi trường đã gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Đại Bái, trong vòng 3 năm từ 2012 - 2015, chỉ tính riêng xóm Trại (Đại Bái) đã có 23 người chết do các bệnh ung thư. Trong đó, người chết có xu hướng trẻ hóa, chủ yếu ở độ tuổi 35 - 45.
Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, điều kiện cơ sở hạ tầng, trình độ và mặt bằng dân trí thấp. Những hạn chế về khả năng đầu tư, điều kiện cạnh tranh trên thị trường làm tăng mức đầu tư phát sinh và ô nhiễm môi trường. Các hộ sản xuất, kể cả các xưởng sản xuất đều
được xây dựng sơ sài. Diện tích chật hẹp, hệ thống điện, nước lắp đặt tùy tiện, không an toàn. Hệ thống thu gom nước thải từ các hộ sản xuất và sinh hoạt cũng chưa được phân loại xử lý mà vẫn đổ trực tiếp ra môi trường...
Vì phát triển làng nghề từ lâu đời, nên các máy móc, thiết bị sử dụng ở làng nghề đa phần là loại cũ, mua thanh lý ở các xí nghiệp hoặc mua từ Trung Quốc, hay sản phẩm tự chế tạo, nên đến nay đều trở nên lạc hậu, hiệu quả sản xuất thấp.
![]() |
Sản xuất lạc hậu là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở Đại Bái
“Việc đúc đồng còn khiến môi trường không khí tại đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Toàn bộ khí thải trong quá trình sản xuất bao gồm bụi, hơi nước, kim loại nặng và hỗn hợp khí CO2, SO2… khiến không khí luôn nặng mùi khét. Tình trạng người dân mắc các loại bệnh về đường hô hấp, hoặc về mắt ngày càng tăng cao”, ông Thành cho biết.
Trước tình trạng trên, những năm qua, UBND xã Đại Bái đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường, như quy hoạch khu bãi rác thải tập trung rộng hơn 8.000 m2 nhằm giảm thiểu tình trạng ứ đọng, ô nhiễm nguồn rác thải. Quy định ống khói của các hộ đúc, cô phế liệu phải xây dựng cao từ 12m trở lên, quy định thời gian máy móc tập trung hoạt động theo giờ, các hộ tẩy, rửa hóa chất lớn bắt buộc phải có bể chứa lắng đọng...
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đúc đồng xã Đại Bái với tổng vốn đầu tư hơn 52 tỷ đồng, từ nguồn sự nghiệp tài nguyên môi trường được giao hàng năm và các nguồn vốn khác do UBND huyện Gia Bình làm chủ đầu tư.
Theo Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, ông Trương Tiến Yên, dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đúc đồng xã Đại Bái được triển khai từ năm 2014 - 2016. Theo đó, sẽ xây dựng hai khu xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt tại CCN làng nghề tại hai thôn Ngoài và Tây Giữa, với công suất mỗi khu đạt 900 - 1.000 m3/ngày đêm, bảo đảm nước thải trước khi thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn nước thải theo quy chuẩn, quy định. Đồng thời, sẽ xây dựng hệ thống xử lý rác thải sản xuất và sinh hoạt với công suất khoảng 5 tấn/ngày đêm, trong đó, rác thải sinh hoạt khoảng 3,5 tấn/ngày đêm, rác thải sản xuất 1,5 tấn/ngày đêm.
Hy vọng trong thời gian tới, làng nghề Đại Bái vẫn duy trì phát triển nghề truyền thống nhưng vẫn bảo đảm được vấn đề phát triển môi trường bền vững. Có như vậy, những giá trị văn hóa của làng nghề mới trường tồn mãi với thời gian, sức khỏe các thế hệ người dân cũng được bảo đảm.
Như Yến