Theo thống kê của UBND xã Hoàng Ninh, Phúc Lâm có khoảng 30 hộ kinh doanh giết mổ gia súc thường xuyên với quy mô gần 100 con mỗi ngày.
Vào những tháng cao điểm mùa Tết Nguyên đán, số hộ trong làng tham gia hoạt động giết mổ tăng lên hơn 50 hộ với quy mô vừa và nhỏ, số lượng gia súc giết mổ lên đến vài trăm con/ngày. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Ô nhiễm ngày càng tăng
Ông Đỗ Văn Khuyến - Phó thôn Phúc Lâm, cho biết: “Nghề mổ trâu, bò ở Phúc Lâm đã có từ vài chục năm nay. Nghề đang đem lại những thay đổi lớn về kinh tế, nhưng lại đang khiến môi trường của làng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân trong vùng đang phải sống trong môi trường không khí, nguồn đất, nguồn nước đều đang bị ô nhiễm và dễ mắc bệnh tật”.
Khảo sát cho thấy với số lượng hàng trăm con gia súc bị giết mổ mỗi ngày, khối lượng phân thải ra môi trường trung bình khoảng hơn 3 tấn/ngày, lượng nước thải không qua xử lý cũng lên tới hơn 100m3/ngày. Hầu hết hệ thống kênh, mương, ao, hồ tại Phú Lâm đều trong tình trạng đông đặc chất thải.
“Các lò mổ xen lẫn trong làng. Làm ăn tử tế đã cực kỳ ô nhiễm. Đằng này, vì lợi nhuận, nhiều lò mổ bơm thẳng nước vào bụng gia súc trước khi mổ, nhằm làm cho lượng nước ngấm vào thịt, vì vậy mà lượng chất thải của làng nghề đã tăng lên gấp nhiều lần. Tiết, phân, rơm, rạ, nước muối… xả thẳng ra cống, hôi thối vô cùng”, anh Phạm Văn Minh - người dân địa phương, bức xúc.
Không chỉ là chất thải từ lò mổ, lẫn trong dòng nước này còn là nước muối ướp da trâu, thải ra từ những hộ ướp da ngay trong nhà. Theo nhiều người dân chia sẻ, để ướp 1 bộ da trâu bò cần ít nhất 7 - 10 kg muối, ướp ít thì 1 tuần, lâu thì cả tháng, vì vậy lượng nước muối ướp thải ra môi trường rất lớn, gây ô nhiễm không thua gì chất thải.
Cần nhanh chóng có giải pháp xử lý triệt để chất thải từ các lò mổ trâu
Hệ thống xử lý “đóng băng”
Môi trường suy thoái nghiêm trọng gây ra những mối nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, huyện Việt Yên đã thực hiện một dự án xử lý chất thại tại Phú Lâm, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 5 tỷ đồng. Bao gồm hệ thống cống thu gom nước thải với chiều dài 370 m, 9 hố ga thu gom chất thải rắn, 1 bể xử lý nước thải bằng bê tông 200 m3, 1 bể xử lý nước thải yếm khí bằng vật liệu HDPE đáp ứng công suất 1.200 m3…
Tuy nhiên, theo UBND xã, dự án chỉ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải cho 12 hộ gia đình, một con số quá nhỏ với quy mô của làng nghề. Đặc biệt, để hệ thống xử lý chất thải hoạt động, cần thuê 3 nhân công, với chi phí gần 10 triệu đồng/ tháng. Chi phí hoạt động vốn được dự án cung cấp, nhưng khi kết thúc dự án, cũng là lúc hệ thống xử lý “đóng băng”, ngừng hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Tình - Chủ tịch xã Hoàng Ninh, cho biết: “Dự án chỉ hoạt động được vỏn vẹn 2 tháng rồi ngưng. Nguyên nhân chủ yếu là vì lượng chất thải quá lớn, hệ thống bị quá tải. Chi phí quá cao cũng khiến dự án không thể hoạt động liên tục”.
Công trình xứ lỷ chất thải vừa hoàn thành đã bị “treo”, lượng chất thải lớn của làng nghề lại được xả trực tiếp ra môi trường. Nước, chất thải từ quá trình giết không được xử lý tiếp tục trở thành “ác mộng” của người dân và môi trường tiếp tục rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Chính quyền địa phương cho biết cho đến hiện tại, chưa có giải pháp triệt để để giải quyết ô nhiễm. Dự kiến phải đến năm 2018 mới có dự án cải thiện môi trường làng nghề.
Văn Hiến