Theo ông Nguyễn Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND xã Như Quỳnh, hiện, làng Khoai có 1.000 hộ dân và đa số các hộ đều theo nghề tái chế nhựa. Làng Khoai là nơi tập chung các loại rác thải từ các địa phương lân cận đổ về. Chính vì vậy, mà hậu quả từ việc tái chế rác thải không hề nhẹ.
Đại công trường tái chế rác
Ông Đinh Văn Việt - 65 tuổi - Chi hội trưởng Cựu chiến binh thôn Minh Khai, cho biết: Làng Khoai đến nay đã có hơn 20 năm làm nghề thu mua phế liệu, rồi sơ chế, tái chế nylon, nhựa phế liệu, bây giờ tỷ phú ở đây nhiều không đếm xuể.
Làng Khoai có gần 1000 hộ, thì 80% trong số đó làm nghề tái chế nhựa. Hơn 4.000 dân ngày ngày sống trên ngồn ngộn rác, đấy là chưa kể cả nghìn người làm thuê tứ xứ đổ về. Đến nay, cả khu công nghiệp quy mô làng nghề này cũng có ngót 100 DN và 400 cơ sở nhỏ hành nghề.
Không khí ở làng Khoai lúc nào cũng một màu xám xịt. Khói từ xưởng tái chế không ngừng nghỉ suốt cả ngày lẫn đêm. Trong xưởng, nhựa bị đun chảy mùi khét lẹt. Ngoài xưởng, rác ùn ùn ứ khắp nơi, tràn cả đường đi. Điều đáng nói là mặc dù cả làng tái chế rác nhưng đến thời điểm này, làng Khoai vẫn chưa có bất kỳ hệ thống xử lý nước thải nào. Nước rửa các đồ tái chế không được xử lý mà thải trực tiếp ra kênh mương, ao, ruộng của người dân. Cùng với đó là tiếng máy móc chạy suốt ngày đêm làm ô nhiễm môi trường tiếng ồn nghiêm trọng.
Chị Hà (Văn Lâm, Hưng Yên) cho biết: “Môi trường làng Khoai bị ô nhiễm từ nhiều năm nay. Đi ra đường là phải đeo khẩu trang suốt, không thì không chịu nổi. Khi trời nắng nóng thì vừa khó thở vì mùi thối, vừa đau đầu vì ồn ào khắp nơi”.
Theo ông Nguyễn Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND xã Như Quỳnh, 70% số hạt nhựa sản xuất tại làng Khoai được xuất bán sang Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc về tận làng hợp đồng rồi vận chuyển đi. Những hộ không làm hạt nhựa tái chế thì mua hạt về rồi “thổi” thành phẩm. Họ dùng máy “thổi” để thổi ra túi nylon, làm khay, cốc nhựa, rồi đủ thứ, từ dây buộc, bàn ghế, ống nước, ống cống, ống nhựa công nghiệp, áo mưa, nylon phục vụ nông nghiệp… đến các khay quầy đựng đồ đủ loại đều do làng Khoai sản xuất.
Chính vì vậy, cả làng Khoai đều được bao phủ bởi rác thải. Đi đến đâu cũng có rác. Người dân sống với rác và thậm chí chết cũng vì rác, bởi có rất nhiều người dân làng Khoai đã bị ung thư, bị các bệnh về hô hấp… Làng Khoai giờ đã được gọi là “làng chết” hay “làng ung thư”.
![]() |
Rác tràn ra đường tại làng Khoai
Lối đi nào cho làng Khoai?
Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Minh Thúy - Trưởng ban cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai, cho rằng muốn giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường trong làng nghề, phải đưa hoạt động sản xuất của các hộ vào cụm công nghiệp. Hiện địa phương đang xin ý kiến cấp trên để có phương án cụ thể.
Ông Trần Đăng Anh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên, cho biết: Hiện, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp như: hỗ trợ, đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, hỗ trợ di dời sản xuất ở những làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; lựa chọn, ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp ở những nơi người dân có điều kiện về nguồn lực và có nhu cầu di dời sản xuất ra khỏi làng.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quản lý cụm công nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, công nghệ, vốn vay, thuê đất... nhằm tạo môi trường hấp dẫn để các hộ trong làng nghề tự nguyện di dời sản xuất từ làng vào trong các cụm công nghiệp hoặc chuyển đổi nghề...
Mong rằng chính quyền các cấp nhanh chóng triển khai các phương án hỗ trợ người dân để hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng tái chế Minh Khai. Cùng với đó, người dân cần nâng cao ý thức trong việc sản xuất và bảo vệ môi trường để đảm bảo sức khoẻ cũng như cuộc sống của chính mình.
Như Yến