Từ cảnh “cơ hàn” của một làng nghề giấy dó thủ công, Phong Khê trở thành đầu tầu phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh. Thu nhập của người dân làm nghề ngày càng được cải thiện, nhưng ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân và đe dọa sự phát triển bền vững của làng nghề.
![]() |
Máy móc lạc hậu phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
“Tắc thở” vì ô nhiễm
Theo số liệu từ UBND tỉnh Bắc Ninh, mỗi ngày làng giấy Phong Khê thải ra môi trường khoảng 4.500 - 5.000 m3 nước thải chứa lượng độc tố cao gấp hàng chục lần tiêu chuẩn cho phép. Trong đó, hàm lượng chất rắn lơ lửng (chất không hòa tan trong nước) cao hơn từ 4,5 - 11 lần, COD (chỉ tiêu ô nhiễm sinh học) cao hơn từ 8 - 500 lần, Pb (nhiễm chì) cao hơn 5,5 lần...
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài nhiều năm khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Bác Nguyễn Văn Lâm - người dân Phong Khê, kể: “Trên trời dưới đất đều ô nhiễm. Dưới đất thì nước thải, chất thải tràn xuống kênh mương, ao hồ. Trên không thì không khí ngột ngạt, khó thở. Ở đây nhà nào cũng có hệ thống cửa kiên cố, kín nhất có thể và đóng cửa cả ngày, cả đêm”.
Ô nhiễm môi trường không chỉ tác động đến các hộ trực tiếp làm nghề, mà còn ảnh hưởng đến các hộ không làm nghề. Chị Hoàng Minh Ánh - giáo viên tiểu học, chia sẻ: “Càng phát triển, làng nghề càng ô nhiễm. Gia đình tôi đều là công chức, không làm nghề nhưng vẫn phải chịu. Buổi trưa chấp nhận ăn cơm hộp ở cơ quan chứ không về nhà. Buổi tối về thì cửa đóng kín mít, rất ít ra ngoài”.
Ông Hoàng Đắc San - Trưởng trạm y tế phường Phong Khê, cho biết: “Dù chưa có thống kê chính xác, nhưng rõ ràng môi trường đang tác động rất xấu tới sức khỏe của người dân. Tỷ lệ người mắc bệnh trong vùng cao hơn hẳn so với các địa phương khác. Số ca ung thư dày hơn, trung bình từ 10 - 13 người/năm”.
Ô nhiễm và hậu quả của ô nhiễm tại Phong Khê đã quá rõ ràng. Nhưng một điều đáng chú ý, nguyên nhân khiến ô nhiễm khó khắc phục ngoài quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu không đáp ứng kỹ thuật, thì chính ý thức của người dân là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm. Chỉ tính riêng năm 2014, cơ quan chức năng đã phát hiện và tiêu hủy 383 tấn rác thải dùng để đốt lò hơi sản xuất giấy ở Phong Khê.
Người dân “bắt tay” chính quyền
Ông Lê Văn Tấn - Phó Chủ tịch UBND phường Phong Khê, cho biết trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền. Tuy nhiên, ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, ủng hộ chính quyền trong công tác khắc phục ô nhiễm là cực kỳ quan trọng.
“Vì lợi nhuận, người dân bất chấp quy định xả thải ra môi trường, nhiều cơ sở thay vì dùng các chất đốt chuẩn lại dùng rác thải để đốt lò gây khói bụi. Sự chống đối của người dân gây khó khăn cho công tác khắc phục ô nhiễm của cơ quan chức năng, và trực tiếp làm hại sức khỏe của người dân”, ông Tấn nói.
Rõ ràng khi các công trình xử lý ô nhiễm chưa hoàn thành, ý thức của người dân làm nghề chính là giải pháp hiệu quả nhất để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Người dân chính là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất vì vậy bảo vệ môi trường chung là trách nhiệm và cũng là quyền lợi của mọi người.
Về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đưa ra những chế tài nghiêm khắc để xử phạt các trường hợp vi phạm. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý chất thải.
Được biết, một hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Phong Khê với tổng kinh phí là 397 tỷ đồng đang được xây dựng. Hiện nay, công trình đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng kinh phí 197 tỷ đồng, công suất xử lý dự kiến khoảng 5.000m3 nước thải/ngày.
Dự án xử lý thải trăm tỷ đồng này được kỳ vọng sẽ là lối thoát cho môi trường làng nghề Phong Khê. Nhưng kỳ vọng thì vẫn là kỳ vọng và kết quả thế nào thì vẫn phải đợi. Còn hiện tại, cái “bắt tay” hợp tác giữa chính quyền và người dân sẽ là cơ sở để giảm ô nhiễm môi trường, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của làng nghề.
Văn Hiến