Theo UBND xã Quảng Phú, làng nghề Quảng Bố hiện có gần 900 hộ gia đình với hơn 4.000 nhân khẩu. 80% trong số đó là làm nghề sản xuất cơ khí từ đồng, kim loại và từ nhựa.
Năm 2012, giá trị sản xuất trong ngành công nghiêp và TTCN của làng nghề đạt trên 157 tỷ đồng. Mỗi năm, tổng giá trị doanh thu này tăng đều từ 30 - 40%, thậm chí có năm đã tăng trên 50% so với kế hoạch đề ra.
![]() |
Ô nhiễm môi trường là điểm yếu nhất của làng nghề Quảng Bố
Phát triển vượt bậc
Sản phẩm cơ khí của làng Quảng Bố được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Hiện nay, các sản phẩm cơ khí đồng của làng hiện đã có mặt ở khắp các KCN trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh, dưới dạng cung cấp những sản phẩm thô cho các tập đoàn, công ty lớn trong ngành cơ khí của Việt Nam.
Các sản phẩm chủ yếu của làng nghề là các chi tiết máy móc được ứng dụng trong các ngành chế tạo, cơ khí… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các cơ sở sản xuất tại Quảng Bố sản xuất các mặt hàng khá chuyên biệt. Phổ biến nhất là các loại đồ thờ, đồ trang trí bằng đồng, các loại ốc vít, bản lề bằng đồng, dây điện, khóa, van nước bằng đồng…
Chị Nguyễn Thị Năng (Giám đốc công ty Bình Khánh), cho biết: “Từ năm 2011, số lượng công ty ở làng đã tăng lên đến con số hàng trăm, ở đủ các quy mô lớn nhỏ, chưa kể đến HTX và các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Ước chừng số hộ gia đình tham gia vào nghề sản xuất cơ khí từ đồng chiếm đến 75% tổng hộ gia đình trong toàn thôn”.
Theo các cơ sở sản xuất tại Quảng Bố, nghề đúc đồng đã khởi phát từ lâu đời, từ những cơ sở đúc đồng nhỏ, sản xuất hoàn toàn bằng thủ công.
Việc làm, ô nhiễm cùng tăng
Dưới tác động của cơ chế thị trường, các cơ sở đã phải nhanh chóng thay đổi và cập nhật về cả công nghệ lẫn những sản phẩm cơ khí khác, làm sao phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện tại. Vì vậy, đến nay, máy móc phục vụ sản xuất tại các cơ sở chiếm tỷ lệ cao, thay thế sức người và tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm.
Sự thích nghi tốt với cơ chế thị trường giúp nghề đúc đồng ở Quảng Bố phát triển mạnh, giải quyết một số lượng lớn nhu cầu việc làm trong và ngoài địa bàn xã. Theo thống kê, Quảng Bố hiện tại có gần 100 công ty chuyên sản xuất đồ gia công bằng đồng, kim khí và nhựa, đã tạo việc làm cho gần 2.000 lao động, với mức lương từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. Tại các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình tự gia công (chiếm số lượng lớn trong làng nghề) cũng tạo việc làm đều đặn cho người lao động. Mỗi cơ sở đều có từ 2 - 3 lao động, với mức lương ổn định trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng.
Đang đạt được những thành công đáng khen ngợi, tuy nhiên, làng nghề Quảng Bố hiện vẫn phải đối mặt với rất nhiều nhiều khó khăn, như thiếu mặt bằng sản xuất, vốn đầu tư, giá nguyên liệu bấp bênh, sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập… và đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Đình Bình - Trưởng thôn Quảng Bố, cho biết: “Các công ty, DN và người làm nghề đã thích nghi rất tốt để phát triển trong cơ chế thị trường. Những khó khăn về thị trường, cạnh tranh đều dần được người dân khắc phục. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường thực sự là vấn đề nan giải, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân”.
Chất thải từ hoạt động sản xuất, đăc biệt là nước thải có chứa chì và các kim loại nặng thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nặng và nguy hại đến sức khỏe của người dân. Đây là lý do làng nghề Quảng Bố lọt “top” 6 làng nghề cần khẩn cấp khắc phục ô nhiễm theo Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường của tỉnh Bắc Ninh.
Nói về giải pháp cho khó khăn này, đại diện Phòng Công Thương huyện Lương Tài, ông Nguyễn Đức Hùng, cho biết: “Đã có dự án quy hoạch cụm làng nghề Quảng Bố rộng hơn 9,2 ha. Dự án đang được gấp rút triển khai. Dù đang gặp nhiều khó khăn về vốn và tiến độ. Tuy nhiên, đây là hy vọng tạo lối thoát cho vấn đề ô nhiễm trên địa bàn”.
Văn Hiến