Ông Nguyễn Văn Họa - Chủ nhiệm làng nghề bún Phú Đô, cho biết: “Làng nghề bún Phú Đô có hơn 205 hộ sản xuất và trên 250 hộ kinh doanh bún. Khối lượng bún sản xuất đạt gần 80 tấn/ngày, cung cấp cho khoảng trên 50% thị phần khu vực Hà Nội. Mỗi cơ sở sản xuất có từ 5 - 7 lao động thường xuyên với mức thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng”.
Một xưởng sản xuất bún ở Phú Đô
Ô nhiễm vẫn “bám” làng
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), kết quả điều tra trên 516 hộ làm bún của làng nghề cho thấy bình quân trong năm, mỗi hộ làm nghề tiêu thụ 17,59 tấn gạo, sản xuất 41,87 tấn bún, sử dụng 2,2 động cơ điện (công suất bình quân 3,7kw).
Trung bình mỗi hộ tiêu thụ 19 - 22 kg than, hiệu suất tiêu hao nhiệt là 618 mcal/1 tấn bún. Bình quân mỗi năm, làng nghề thải ra môi trường 1.586 tấn xỉ than và 6.158 tấn khí C02. Công nghệ lạc hậu, hệ thống xử lý thải hoạt động kém khiến tình trạng ô nhiễm môi trường tại Phú Đô đang ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - một cao niên trong làng Phú Đô, chia sẻ: “Làng nghề chủ yếu hoạt động từ nửa đêm đến sáng, nước thải hầu như được xả trực tiếp ra kênh, mương chảy ra sông Nhuệ. Không khí lúc nào cũng ngai ngái một mùi chua chua, thum thủm. Vào mùa hè, ngày nắng thì không khí bức bối, ngày mưa thì lầy lội nước thải. Tình trạng này kéo dài cả chục năm rồi, khổ nhiều rồi giờ cũng thành quen”.
“Hiện tại, đã có trên 100 hộ sản xuất có máy móc hiện đại, giảm lượng chất thải đáng kể ra môi trường. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một lượng thải nhất định gây ô nhiễm. Đây là thực trạng chung của các làng nghề truyền thống. Chúng tôi cũng đang tích cực tìm giải pháp để khắc phục triệt để tình trạng trên”, ông Nguyễn Phùng Hưng - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô, cho biết. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển bền vững của làng nghề. Viện Khoa học năng lượng đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra 3 mô hình TKNL, giảm phát thải và ô nhiễm môi trường tại làng bún Phú Đô.
Ba mô hình tiết kiệm năng lượng
Đầu tiên là mô hình sản xuất phân tán, với chi phí thấp và có thể áp dụng riêng lẻ từng hộ. Mỗi hộ chỉ cần đầu tư 1 lò than cải tiến (có ống dẫn thải, hệ thống bảo ôn, tái chế nhiệt), hiệu suất đạt trên 30% (gấp 2 lần lò đốt cũ). Lượng nhiệt thải ra được “tái chế” vào các sinh hoạt (đun nấu, sấy khô, sưởi ấm…). Các lò được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ nhằm duy trì sự ổn định, tiết kiệm năng lượng.
Thứ hai là mô hình sản xuất theo nhóm hộ. Mỗi nhóm gồm từ 3 - 5 hộ sản xuất, được trang bị nồi hơi với áp suất, lượng hơi, nhiệt độ phù hợp, giảm tối đa sự cố. Năng suất dự kiến từ 200 - 400 kg/giờ (cao hơn 2,5 lần công nghệ cũ).
Theo kết quả tính toán của các chuyên gia, áp dụng mô hình này, các nhóm chỉ mất 5 tiếng/ngày để sản xuất, tiết kiệm 71% lượng than so với sản xuất thủ công. Mỗi năm làng nghề sẽ tiết kiệm được 1.300 tấn than, giảm phát thải 2.000 tấn C02.
Cuối cùng là mô hình sản xuất tập trung. Các công đoạn sản xuất (xay, nhào bột, làm bún, xử lý thải…) sẽ được thiết kế thành dây chuyền. Mô hình này là tối ưu hóa của sản xuất khi vừa nâng cao năng suất, vừa tiết kiệm, BVMT. Tuy nhiên, đây là giai đoạn cao nhất và cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
“Còn rất nhiều thách thức nhưng mô hình TKNL mới này được kỳ vọng như một lối thoát cho tình trạng ô nhiễm tại Phú Đô hiện nay. Hy vọng mô hình sẽ nhanh chóng được ứng dụng và phát huy hiệu quả để bảo đảm điều kiện sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”, ông Nguyễn Trung Nghĩa - Trưởng phòng TN&MT quận Nam Từ Liêm, chia sẻ.
Văn Hiến