Huyện Lai Vung là một trong những địa phương có vùng cây ăn trái lớn nhất tỉnh Đồng Tháp với 4.435ha, tập trung phần lớn các giống cây ăn quả thuộc họ cây có múi như: quýt hồng, quýt đường, cam xoàn... Ước tính sản lượng hàng năm cung cấp cho thị trường gần 85 ngàn tấn trái cây các loại.
Sản xuất tập trung theo chuẩn
Tuy nhiên, trước đây, phần lớn diện tích cây ăn trái còn canh tác theo kiểu nhỏ lẻ, không tập trung, ít ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên chi phí sản xuất khá cao, giá thành sản phẩm rất khó cạnh tranh. Song song đó là hậu quả về môi trường khi đất bị thoái hóa,môi trường nước, không khí bị ô nhiễm; sức khỏe người dân và người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.
Xác định công tác phát triển kinh tế hợp tác có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường theo hướng bền vũng, những người đứng đầu huyện đã tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, giúp trang bị cho các thành viên, người dân những kiến thức nền tảng về sản xuất trái cây an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; kiến thức về phát triển kinh tế hợp tác trong thời kỳ hội nhập – sản xuất và tiêu thụ trái cây trong nền kinh tế thị trường.
![]() |
Cam xoàn Lai Vung đã được xuất khẩu |
Công tác vận động nhà vườn, HTX, người dân chuyển đổi diện tích vườn tạp sang những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao cũng được đẩy mạnh. Hiện đã xây dựng các mô hình chuỗi liên kết gắn với cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra giữa doanh nghiệp và nhà vườn.
Tiêu biểu là Tổ hợp tác sản xuất mận xã Phong Hòa đã không ngại đầu tư lưới và nhân công lao động để thực hiện “trùm mềm” cho toàn bộ 20ha mận. Tuy tiền đầu tư vào khoảng 5 triệu đồng/ha nhưng lưới có thể sử dụng trong vòng 3 năm mà lượng thuốc trừ sâu lại giảm đến 80%. Tình trạng ruồi đục quả mận đã không còn là vấn đề đau đầu với Tổ hợp tác.
Ngoài bán cho các đon vị trong và ngoài tỉnh, Tổ hợp tác còn ký hợp đồng cung cấp mận cho Tập đoàn Vingroup với khoảng 1 tấn trái, mức giá gấp đôi so với bán ở thị trường.
Thích ứng biến đổi khí hậu
Đến nay, Lai Vung đã thành lập và đi vào hoạt động 9 HTX, 61 Tổ hợp tác và 9 hội quán,trong đó có HTX quýt hồng Long Hậu, THT quýt đường Long Thới… là những đơn vị đi đầu trong sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Các thành viên, nông dân trên địa bàn huyện đã đổi mới tư duy, cách làm kinh tế, biết ứng dụng kỹ thuật tiên tiến như trùm mềm, tưới phun, tưới nhỏ giọt, cơ giới hóa, sản xuất rải vụ… để tăng năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm và hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.
Tư khi các Tổ hợp tác, HTX phát triển, tình trạng rác thải do sản xuất nông nghiệp vứt bừa bãi qua các kênh mương, trên đầu ruộng đã không còn. Thay vào đó là hệ thống thủy lợi, các bể chứa rác thải, nhà chứa dụng cụ sản xuất hợp tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ được đầu tư xây dựng. Người dân cũng chủ động trang bị bảo hộ, phun, bón thuốc đúng yêu cầu.
![]() |
Mận được phủ mùng để hạn chế ruồi đục quả |
Bên cạnh đó, việc nhân rộng cánh đồng liên kết, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với người sản xuất, từng bước hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh, cùng nhau hợp tác và chia sẻ lợi nhuận trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn giúp nền nông nghiệp thích ứng với thị trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hầu hết các HTX, Tổ hợp tác trên địa bàn huyện Lai Vung hiện nay đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, chế biến tiêu thụ. Căn cứ vào tình hình thực tế về môi trường, khí hậu của địa phương, các Tổ hợp tác, HTX đã xây dựng kế hoạch sản xuất hay việc xả lũ và lấy phù sa để cải tạo môi trường.
Có thể thấy, huyện Lai Vung đang đẩy mạnh sản xuất theo chiều sâu, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, gắn sản xuất với tiêu thụ và hình thành các chuỗi giá trị bền vững bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và đầu tư cho chế biến. Điều này đã mang lại những hiệu quả, lợi ích tương đối lớn cho ngành nông nghiệp địa phương khi đần tiếp cận được những thị trường lớn trên thế giới.
Huyền Trang