Toàn huyện Mường Chà hiện có hơn 10 HTX, THT, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX, THT đang thể hiện vai trò tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn. Có thể kể đến nhiều cái tên như HTX nông nghiệp Quang Trung, HTX Na Sang, HTX dong riềng Pa Ham, HTX dứa Mường Chà…
HTX nông nghiệp Quang Trung (bản Nậm Nèn 1, xã Nậm Nèn) đang là một trong những HTX hiệu quả nhất của huyện. Thành lập năm 2014, hoạt động chính của HTX là mua bán sản xuất thức ăn chăn nuôi, thu mua chế biến nông, lâm sản. HTX hiện có 7 thành viên chính thức với vốn điều lệ 1,4 tỷ đồng.
Nhờ thích ứng tốt với thị trường, doanh thu của HTX Quang Trung những năm qua khá ổn định, với mức bình quân 1 – 2 tỷ đồng/năm. HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động, thu nhập bình quân 3 – 5 triệu đồng/người/tháng.
HTX Na Sang (xã Na Sang) được thành lập từ tháng 3/2017, với 54 hộ tham gia, triển khai mô hình trồng dứa theo chuỗi cung ứng dứa an toàn trên diện tích 61ha. Sản phẩm dứa của HTX đã được cấp chứng nhận nông sản an toàn và được kết nối, giới thiệu ở nhiều sự kiện trong và ngoài tỉnh.
Năm 2017, Mường Chà thành lập 2 HTX để phát triển dứa thành sản phẩm chủ lực của huyện |
Ông Lê Thanh Tâm – Giám đốc HTX Na Sang, chia sẻ: “Sự ra đời của HTX đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất và tiêu thụ dứa cho thành viên. Thị trường mở rộng, lợi nhuận gia tăng giúp người dân yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích. Đến nay, HTX đang có tổng diện tích dứa khoảng 161ha”.
Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, các HTX còn đảm bảo tốt các yếu tố về ATLĐ. Cùng với quá trình chuyển giao khoa học, kỹ thuật, HTX lồng ghép các khóa tập huấn kiến thức về sản xuất an toàn, kỹ năng sử dụng máy móc, nông cụ, đảm bảo ATLĐ trong quá trình sản xuất.
Ông Đinh Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà, cho biết các HTX đang đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, tạo chuyển biến về cả trình độ và ý thức trong quá trình sản xuất. Các hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, đang dần được thay thế bằng sản xuất tập trung, hiện đại và đảm bảo ATLĐ.
Bên cạnh những thuận lợi, các HTX trên địa bàn huyện còn không ít khó khăn. Quỹ đất hạn hẹp, nhận thức của người dân về HTX còn hạn chế. Cây, con giống vẫn do Nhà nước hỗ trợ, liên kết để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn yếu, đa số các thành viên HTX vẫn phải “tự làm, tự bán”.
Đại diện Liên minh HTX tỉnh Điện Biên cho hay, các HTX trên địa bàn huyện Mường Chà đều là thành viên của Liên minh HTX tỉnh, được đảm bảo quyền lợi hợp pháp, tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ cần thiết cho sự hình thành và phát triển; được tham gia đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ chủ chốt HTX, tham gia tập huấn, nâng cao kiến thức, ý thức về sản xuất an toàn và ATLĐ.
Tuy nhiên, để nâng cao hoạt động của mô hình HTX, ngoài chính sách hỗ trợ, mỗi thành viên HTX phải tự khắc phục những hạn chế của cách làm kinh tế tập thể theo tư duy cũ; đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, nhân dân, người lao động về kinh tế tập thể, về tổ chức của HTX; chủ động liên hệ với Liên minh HTX tỉnh, các cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời.
Văn Thanh