Những năm qua, cây chè được huyện Quang Bình (Hà Giang) xác định là cây kinh tế mũi nhọn. Để nâng cao hơn năng suất, sản lượng và chất lượng, xã Xuân Minh được chọn thực hiện trồng, chăm sóc và chế biến chè theo quy trình VietGAP, bước đầu đem lại kết quả tốt.
Sản phẩm an toàn
Nằm trên địa bàn thôn Minh Sơn, xã Xuân Minh, HTX Xuân Mai đã trải qua chặng đường 14 năm hình thành và phát triển. Đi lên từ một cơ sở chế biến chè xanh thủ công, quy mô nhỏ, sản phẩm chỉ tiêu thụ trong tỉnh, đến nay, sản phẩm chè của HTX đã được bán rộng rãi tại nhiều địa phương, một số sản phẩm còn được XK sang thị trường Trung Quốc.
Những năm qua, HTX không ngừng đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa về chủng loại chè. Đến nay, sản phẩm chè của HTX gồm 3 loại chính, là: chè xanh tiêu thụ trong nước (sản lượng khoảng 10 tấn/năm); chè xanh và chè đen xuất khẩu (chủ yếu là xuất sang thị trường Trung Quốc, khoảng 70 - 80 tấn/năm).
Các sản phẩm chè của HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được chứng nhận bảo đảm VSATTP, nhãn hiệu “Chè xanh Shan tuyết” có địa chỉ rõ ràng in trên bao bì sản phẩm. Đến nay, trung bình HTX chế biến, tiêu thụ gần 100 tấn chè/năm. Tính riêng năm 2015, tổng doanh thu của HTX đạt 5 tỷ đồng (cao hơn gần gấp đôi so với năm 2014).
Chè VietGAP là sản phẩm an toàn, có quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Việc phát triển sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi hợp lý của HTX trong bối cảnh thị trường còn nhiều sản phẩm chè chất lượng không bảo đảm, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng về loại thực phẩm sạch ngày càng cao.
Đánh giá về những lợi ích từ trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại, anh Vũ Hồng Thắng - Giám đốc HTX, cho biết việc áp dụng các kiến thức trong sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã dần giúp người dân thay đổi những hình thức canh tác lạc hậu, biết áp dụng những tiến bộ trong sản xuất, biết ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè, môi trường và sức khỏe...
Về chất lượng sản phẩm, chè búp tươi của các thành viên cũng mập hơn, chất lượng cũng được nâng lên, vì vậy giá thu mua cao hơn chè thông thường.
Nhờ đi đúng hướng, nên sau 14 năm xây dựng thương hiệu, đến nay HTX đã có nhiều đổi thay trên nhiều phương diện. Thời điểm đầu thành lập (năm 2003), HTX mới chỉ có 5 xã viên, vốn điều lệ gần 200 triệu đồng; nhà xưởng 200m2 chỉ có vài ba chiếc máy chế biến chè mini; sản phẩm tiêu thụ cũng chỉ có một loại duy nhất là chè khô.
![]() |
HTX đã có nhiều đổi thay trên nhiều phương diện
Nhiều đổi thay
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu thường xuyên, các thành viên HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hàng chục hộ dân địa phương với mức giá thu mua ổn định. Từ 10ha chè ban đầu, đến nay, HTX đã mở rộng được vùng nguyên liệu với hơn 100ha chè (chiếm 1/5 tổng diện tích chè của xã).
Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, hàng năm HTX đều đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất và nâng cấp thiết bị máy móc. Hiện nay, nhà xưởng của HTX được mở rộng lên 2.000m2.
Đồng thời, HTX cũng đầu tư dàn máy chế biến chè công nghiệp (2 máy sấy, 4 máy vò và 3 máy sao chè) trị giá hơn 1 tỷ đồng với công suất 8 tấn chè khô/ngày; xây dựng dãy nhà ở cho công nhân hơn 150m2...
Hiện, HTX duy trì 7 công nhân thường xuyên và 10 - 15 công nhân thời vụ, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012 (đầu năm 2016), HTX kiện toàn với 8 thành viên, số vốn điều lệ hơn 2 tỷ đồng.
Trước những đổi thay của HTX, một thành viên HTX chia sẻ, trước đây gia đình anh cũng như các thành viên khác canh tác theo phương thức cũ, năng suất, chất lượng thành phẩm chè chưa cao, quá trình canh tác còn ảnh hưởng đến môi trường. Từ khi tham gia HTX, trồng chè theo quy trình VietGAP, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, chè của gia đình anh khác hẳn về năng suất và chất lượng, đặc biệt đem lại môi trường sản xuất, môi trường sống sạch hơn nhiều so với trước kia.
Thu Hường