HTX có 54 hộ thành viên nuôi thủy sản, với diện tích gần 100ha, bình quân mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng gần 4.000 tấn cá, doanh thu đạt hơn 18 tỷ đồng.
Hỗ trợ cả “đầu vào, đầu ra”
Ông Phạm Văn Phục, Giám đốc HTX, cho biết trước khi tham gia vào HTX, nhiều hộ gia đình ở Tứ Kỳ nuôi thủy sản theo phương thức quảng canh, sản xuất mang tính chất manh mún, tự phát, mạnh ai nấy làm. Con giống không được lựa chọn kỹ, nhiều hộ còn tận dụng sản phẩm phụ từ nông nghiệp làm thức ăn nên năng suất thấp, hiệu quả không cao.
Đặc biệt, việc nuôi thủy sản theo phương thức này thường gặp nhiều rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, thị trường… Từ khi tham gia vào HTX, các thành viên nhận được nhiều lợi ích do HTX mang lại.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã xác định lựa chọn giải pháp phát triển là ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất. HTX đã tích cực tham gia nhiều dự án, đề tài khoa học về nuôi trồng thủy sản của Sở NN&PTNT tỉnh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-KT tỉnh, Viện Nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản I, Phòng Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ.
Quá trình tham gia vào các đề tài khoa học đã giúp các thành viên nắm vững quy trình nuôi cá, khâu giống, thức ăn chăn nuôi, năng suất tăng cao, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Trước kia, khi chưa tham gia vào HTX, năng suất nuôi cá của các hộ gia đình thường chỉ đạt 2 - 3 tạ/sào. Sau khi trở thành thành viên của HTX, năng suất đã tăng gấp đôi, đạt khoảng 6 - 7 tạ/sào.
![]() |
Các thành viên nhận được nhiều lợi ích do HTX mang lại
Tiết kiệm chi phí, hạn chế ô nhiễm
Không chỉ hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá, HTX còn đứng ra mua giống ở những nơi có uy tín về cung ứng cho các thành viên. Nhiều loại cá có hiệu quả kinh tế cao có thể thay thế cho các loại cá truyền thống như mè, trôi… được Ban lãnh đạo HTX giới thiệu, tư vấn cho các thành viên chọn lựa, như cá điêu hồng, chép lai, cá quả, rô phi đơn tính…
Có được đầu vào chuẩn, kỹ thuật chăm sóc tốt bảo đảm sản phẩm chất lượng, việc tiêu thụ sản phẩm được Ban lãnh đạo HTX hết sức quan tâm. Ban lãnh đạo HTX đã không quản gian nan, đi nhiều nơi, giao dịch, tìm thị trường, đứng ra tiêu thụ cá cho các thành viên.
Sản phẩm cá Xuân Nẻo đã có mặt thường xuyên tại nhiều thị trường như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh… Nhờ bảo đảm chất lượng, nên sản phẩm cá của HTX còn được xuất bán sang châu Âu thông qua liên kết, hợp tác với DN xuất khẩu.
Áp dụng KH-KT trong sản xuất tốt, HTX không quên cải tạo môi trường ao nuôi để phòng tránh dịch bệnh cho cá. Theo Giám đốc Phạm Văn Phục, từ năm 2012, HTX đã thử nghiệm sử dụng chế phẩm xử lý đáy ao nuôi thủy sản (BIOF) ở 9ha.
BIOF được tạo ra từ các chủng vi sinh vật hữu ích ủ với phân chuồng, lân, đạm và vôi bột; là chế phẩm sinh học dùng để xử lý đáy ao nuôi thủy sản. Trong quá trình ủ, vi sinh vật có tác dụng khử mùi phân chuồng, khi rắc xuống ao sẽ sinh sản sinh vật hữu ích làm thức ăn cho cá.
Xử lý đáy ao nuôi bằng chế phẩm BIOF giúp cho ao nuôi luôn sạch, đáy ao không còn tảo độc, tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tiết kiệm chi phí thức ăn, nâng cao chất lượng thủy sản và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Thu Hường