Mường Giàng là 1 trong 8 xã của huyện Quỳnh Nhai có lợi thế diện tích mặt hồ để phát triển thủy sản sau khi nhà máy thủy điện Sơn La tích nước lòng hồ.
Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi, giúp các thành viên HTX Thương Tuyên cùng nhau liên kết phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững thay cho trồng lúa, ngô như trước.
Nuôi cá lồng theo chuẩn VietGAP
So với làm nương rẫy, nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu từ đây.
HTX Thương Tuyên nuôi cá lồng theo chuẩn VietGAP. HTX hiện có 52 lồng cá, chủ yếu nuôi cá nheo, lăng, trắm, rô phi… 2 năm nuôi được 3 vụ, mỗi vụ HTX xuất ra thị trường 52 tấn cá thương phẩm. Với mức giá trung bình 50.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí, trung bình mỗi năm, HTX lãi hơn 1 tỷ đồng.
Để nuôi trồng đạt hiệu quả cao, HTX đã tận dụng nguồn nước sạch, rau củ quả tự trồng, cũng như cá mồi trên sông làm thức ăn, nên cho sản phẩm sạch, chất lượng cá vượt trội hơn so với cá nuôi ở nơi khác.
Với năng suất trung bình đạt 1 - 1,4 tấn, đầu ra sản phẩm hiện cung không đủ cầu. Bởi các nhà hàng, siêu thị, khách sạn trên địa bàn đã đặt hàng trước khi nuôi.
Bên cạnh đó, HTX cũng được tỉnh và huyện tạo điều kiện hỗ trợ vốn xây dựng lồng bè, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, nên người dân làm chủ được quá trình sản xuất.
HTX đứng ra làm đầu mối mua trực tiếp thức ăn chăn nuôi từ các nhà máy (không qua đại lý trung gian), mỗi gia đình thành viên đã được chiết khấu 5 - 7% giá trị sản lượng. Hoặc khi chung mua con giống đầu vào với số lượng lớn, giá mua cũng giảm đáng kể.
Dù không có truyền thống nuôi trồng thủy sản, nhưng khi áp dụng theo quy trình nuôi cá VietGAP và tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên đã giúp người dân đạt hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa, ngô.
![]() |
Khu lồng nuôi cá của HTX trên hồ thủy điện Sơn La
Phát triển bền vững
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn phát triển rất nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện, nên xảy ra tình trạng tăng quá nhanh về số lượng và nuôi thủy sản không theo quy hoạch, gây khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm của HTX.
Chưa kể đến có xã lồng cá tập trung quá nhiều tại một khu vực tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng môi trường, điều kiện sống của cá.
Trong sản xuất, khai thác đánh bắt, HTX luôn gắn với việc bảo vệ nguồn lợi lâu dài, bảo đảm đa dạng sinh học và môi trường sinh thái sinh vật thủy sinh.
Đa số thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số, nên HTX luôn tuyên truyền, nhắc nhở các hộ thành viên không được dùng thuốc nổ, dùng các loại cây gây ngộ độc cá; vận động hộ dân tham gia nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Trước khi sản xuất, HTX giao mặt nước cho các hộ dân nuôi cá lồng rõ ràng để không xảy ra tranh chấp trong quá trình sản xuất. Đồng thời, thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản để đảm bảo chất lượng khi xuất bán.
Cùng với đó, HTX luôn liên kết với các đoàn thể để mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến với HTX, cùng người dân phát triển, mở rộng nghề nuôi cá trên lòng hồ sông Đà.
Khai thác diện tích mặt nước, phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản là hướng đi phù hợp của HTX Thương Tuyên, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều hộ dân không còn đất sản xuất khu vực ven lòng hồ thủy điện Sơn La.
Mục tiêu là nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, tránh làm ô nhiễm lòng hồ, gây dịch bệnh cho thủy sản và khai thác cạn kiệt các nguồn lợi tự nhiên là hướng đi hiệu quả và bền vững của HTX trong tương lai.
Như Yến