HTX TCMN Thiên Tân (xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) thành lập năm 2012 và dần khẳng định được uy tín với nhiều bạn hàng trong và ngoài nước, khi mỗi tháng, HTX xuất khẩu 4.000 - 6.000 sản phẩm.
Nắm bắt nhu cầu thị trường
Là địa phương vùng sông nước với sự phát triển mạnh mẽ của cây lác, HTX đã tận dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên sẵn có để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập thông qua những sản phẩm bảo đảm thân thiện với môi trường.
Hiện nay, hàng TCMN nói chung đang được các nước trên thế giới ưa chuộng vì không chỉ thể hiện sự tài hoa, tỷ mỷ, cần mẫn của người làm, mà còn khá bền, đẹp, an toàn cho người sử dụng so với các sản phẩm công nghiệp. Đặc biệt, sau thời gian không sử dụng, những sản phẩm này dễ phân hủy trong môi trường hơn so với những sản phẩm công nghiệp.
Với mong muốn cùng phát triển vì môi trường xanh với các sản phẩm làm từ thiên nhiên thân thiện với môi trường, HTX Thiên Tân đã tập hợp những chị em phụ nữ địa phương cùng góp vốn phát triển kinh tế.
Không chỉ trồng lác, se lõi lác, HTX còn cử người đến công ty xuất nhập khẩu Vĩnh Long học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt xu hướng để đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Giám đốc HTX, chị Võ Thị Mỹ Huệ, cho biết: Nếu muốn tồn tại và phát triển, không còn cách nào khác, HTX buộc phải đẩy mạnh cải tiến mẫu mã và đầu tư nhiều hơn cho việc tạo ra mẫu mã mới.
Nhờ chú trọng cải tiến mẫu mã, cũng như nghiên cứu và tìm kiếm mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của thị trường, nên hàng TCMN của HTX đã có bước phát triển đáng kể.
Từ chỗ gặp rất nhiều khó khăn trong khâu đầu ra cho sản phẩm (chỉ loanh quanh trong vùng hay một vài tỉnh ĐBSCL) đến nay, hàng hóa được làm từ cây lác như bàn ghế, túi xách, ví, bình hoa… của HTX đã vươn ra các thành phố lớn trong nước và cả các nước phát triển trên thế giới, như: Australia, Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản...
Theo Giám đốc Võ Thị Mỹ Huệ, rõ ràng mẫu mã là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của một cơ sở sản xuất hàng TCMN. Nếu như đơn vị nào không ý thức rõ được điều đó, xem như cơ hội tồn tại và thành công rất khó đạt được.
![]() |
Sản phẩm của HTX đã khẳng định được uy tín với nhiều bạn hàng trong và ngoài nước
Giải bài toán khí hậu
Không chỉ ký kết được hợp đồng với nhiều DN, hiện nay, tay nghề của các thành viên và người lao động trong HTX đã được nâng cao, khi các DN đã chủ động liên kết, cử người về đào tạo, nâng cao tay nghề cho mọi người.
Trong những năm gần đây, Vĩnh Long là một trong những tỉnh phải chịu nhiều hậu quả của việc xâm nhập mặn. Việc phát triển trồng rau màu, trồng lúa, luân canh cây ăn quả cũng gặp nhiều khó khăn.
Nhưng ngược lại, cây lác lại là cây chịu được mặn và vẫn sống tốt trong điều kiện độ mặn ở mức 4 - 5 phần nghìn. Chính vì vậy, HTX hoàn toàn thuận lợi trong việc mở rộng diện tích, nâng cao năng suất cây lác. Theo Giám đốc Võ Thị Mỹ Huệ, dù bị xâm nhập mặn nhưng trung bình một công đất, HTX vẫn có thể thu về 1,2 - 1,5 tấn lác trở lên.
Bên cạnh đó, trồng lác không tốn công chăm sóc hay phải đầu tư phân bón, nên HTX không tốn nhiều chi phí cho phần nguyên liệu. Để bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu sản xuất, HTX vẫn tiếp tục đẩy mạnh thu gom lác trên các vùng trong và ngoài tỉnh.
Sau thời gian hoạt động hiệu quả, số lượng thành viên của HTX từ 10 người đã tăng lên 20 người, đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động thường xuyên và 70 lao động thời vụ. Đây cũng là lý do khiến nghề TCMN của HTX tiếp tục được duy trì, phát triển khi diện tích đất hàng năm của địa phương vẫn bị tình trạng xâm nhập mặn hoành hành.
Như Yến