Tiền thân là Câu lạc bộ khuyến nông xã Đông Thạnh, sau đó phát triển thành HTX nông nghiệp Thạnh Phước, ban đầu, HTX còn gặp nhiều khó khăn nên chỉ có 17 thành viên. Nhưng, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, hiện nay, HTX đã có 90 thành viên và hướng tới mở rộng 97 ha chanh không hạt.
Áp dụng VietGap, GlobalGap
Theo anh Nguyễn Văn Thật - Giám đốc HTX nông nghiệp Thạnh Phước, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, nông dân muốn làm giàu thì phải liên kết lại với nhau thành lập HTX, tạo ra số lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chủng loại, chất lượng… để dễ tiêu thụ.
Chanh không hạt là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh lại cho trái quanh năm, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch là 18 tháng. Nhưng với mục đích sản xuất ra những sản phẩm an toàn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng ra thị trường thế giới, HTX đã áp dụng tiêu chuẩn VietGap vào quy trình sản xuất chanh không hạt. Dưới sự giúp đỡ của Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, HTX tập trung bảo đảm các tiêu chí: kỹ thuật sản xuất, ATTP, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ.
Đến nay, HTX đã có 20ha chanh không hạt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn sinh học để xuất khẩu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận thương hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang”.
![]() |
Chanh không hạt đem lại hiệu quả kinh tế cao
Không những vậy, HTX còn áp dụng tiêu chuẩn GolobalGap vào sản xuất. Hiện, HTX có 15,2 ha chanh không hạt được công ty The Fruit-Republic (Hà Lan) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GolobalGap và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm sang Singapore.
Nhờ áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, sản phẩm của HTX đã được các công ty ký hợp đồng tiêu thụ và có mặt trong hệ thống siêu thị Coop mart (Liên hiệp HTX Thương mại Tp.HCM).
Để bảo đảm chất lượng, HTX đã đầu tư xây dựng 5 nhà lưới, mỗi nhà có diện tích 250m2 để ươm cây đầu dòng sau đó mới đem ra trồng. Cùng với đó, HTX còn xây dựng hệ thống kho lạnh, xưởng sấy để cất giữ và bảo quản chanh khi vào chính vụ. Thực hiện chăm sóc tốt, ổn định đầu ra, tính trung bình, một cây chanh sẽ cho khoảng 40 kg quả, năng suất trung bình khoảng 30 - 40 tấn trái/ha/năm, bán với giá dao động từ 20 - 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi thành viên sẽ lãi trên 400 triệu đồng/ha.
Giúp thành viên làm giàu
Chính vì vậy, các thành viên của HTX hiện nay đều thoát nghèo và vươn lên khá giàu. Một số thành viên có diện tích canh tác lớn có thể thu về 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
HTX còn thực hiện trồng và nhân giống chanh không hạt để đáp ứng đủ cây trồng cho HTX và thuận lợi cho mở rộng thị trường. HTX đã cung cấp trên 200.000 cây giống chanh không hạt và thu mua trên 60 tấn trái để bán cho doanh nghiệp, trừ chi phí, HTX còn lãi trên 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, HTX còn giúp cho gần 20 lao động nông thôn có việc làm ổn định, với mức thu nhập trên 3 triệu đồng mỗi tháng. “Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ chanh không hạt rất lớn, giống chanh không hạt có khả năng kháng bệnh và chịu hạn cao nên rất thích hợp trồng ở vùng ĐBSCL. Khi khí hậu đang khô hạn, cây chanh không hạt vẫn phát triển tốt, giúp người nông dân tìm được hướng đi mới”, Giám đốc Nguyễn Văn Thật cho biết.
Thời gian tới, HTX tiếp tục vận động xã viên mở rộng mô hình theo tiêu chuẩn Gap nhằm đáp ứng những đơn hàng có số lượng lớn trên thị trường châu Á.
Nhận xét về mô hình của HTX nông nghiệp Thạnh Phước, chị Nguyễn Thị Ngọc Chân, Bí thư huyện đoàn Châu Thành, cho biết: “Với cách làm năng động, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và năng động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, đến nay, HTX hoạt động ngày càng hiệu quả, tạo niềm tin, sự phấn khởi và đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho các xã viên, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương”.
Như Yến