Được thiên nhiên ưu đãi, Bến Lức là vùng đất có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tuyệt vời để phát triển mô hình trồng chanh không hạt. Số liệu thống kê cho thấy toàn huyện hiện có trên 3.580 ha chanh không hạt, với hơn 90% diện tích được áp dụng phương thức sản xuất an toàn.
Để phát huy thế mạnh địa phương, năm 2014, HTX Thạnh Hòa được thành lập, với mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh chanh an toàn theo hướng hàng hóa, nâng cao an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh thực phẩm, mang lại lợi ích toàn diện, bền vững cho người dân địa phương.
Bước ngoặt sản xuất
Hơn 15 năm trước, huyện Bến Lức được biết đến là vùng chuyên canh mía quy mô lớn của tỉnh Long An. Tuy nhiên, những biến động của thị trường khiến giá mía liên tục diễn biến thất thường, khiến đời sống của người dân gặp khó khăn, các điều kiện về kinh tế, đời sống, ATLĐ chưa được bảo đảm.
Năm 2002, mô hình chanh không hạt bắt đầu manh nha và lan rộng trên địa bàn các xã Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức, Lương Hòa… Nhận thấy tiềm năng của cây chanh, huyện Bến Lức đã chủ động tìm hiểu, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ trồng mía sang chanh không hạt theo hướng an toàn.
Ông Vũ Ngọc Báo - Giám đốc HTX Thạnh Hòa, cho biết: “Quyết định chuyển từ trồng mía sang trồng chanh không hạt là bước ngoặt thay đổi đời sống của người dân Bến Lức. Không chỉ cho hiệu quả cao về kinh tế, chanh không hạt còn đem lại sự thay đổi toàn diện về tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn”.
Về kinh tế, cây chanh không hạt cho trái quanh năm, định kỳ 20 - 25 ngày cho thu hoạch một lần, với giá ổn định ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg (vào mùa nắng nóng (tháng 3 - 4 âm lịch) giá chanh có thể lên tới 27.000 - 30.000 đồng/kg), người trồng chanh thu về lợi nhuận trung bình 200 - 250 triệu đồng/năm/ha.
Về sản xuất, với tôn chỉ “sản xuất an toàn, phát triển bền vững”, người sản xuất chanh không hạt tại Bến Lức được hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quy trình sản xuất, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn cao về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ.
![]() |
Chanh không hạt đang đem lại hiệu quả cao cho người dân Bến Lức |
Đẩy mạnh liên kết
Trong xu thế phát triển chung tại địa phương, HTX Thạnh Hòa trở thành nhân tố quan trọng, đóng vai trò như cánh tay nối dài của các cấp quản lý, trực tiếp quản lý, hỗ trợ và dẫn dắt thành viên, hộ dân liên kết phát triển mô hình trồng chanh an toàn, mang lại lợi ích kép về kinh tế, ATLĐ và môi trường.
Sở hữu vườn chanh không hạt rộng 0,5 ha, Anh Ngô Quốc Huy (xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Vườn chanh nhà tôi đã được 5 năm tuổi, năng suất bình quân đạt 15 tấn/năm. Kể từ khi liên kết với HTX vào năm 2015, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ HTX về kỹ thuật, dịch vụ đầu vào, thị trường tiêu thụ…”.
Các vấn đề về vệ sinh thực phẩm, ATLĐ cũng luôn được HTX quan tâm, hỗ trợ. Điển hình, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật sử dụng máy móc an toàn, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, giúp hiệu quả sản xuất tăng, sức khỏe được bảo đảm.
Trong những năm qua, HTX Thạnh Hòa cũng tích cực phối hợp với các cấp chính quyền huyện Bến Lức để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ chanh an toàn, hình thành liên kết “bốn nhà”.
“Với sự tham gia của doanh nghiệp trong liên kết “4 nhà”, thị trường tiêu thụ của người dân được mở rộng, giá trị kinh tế được đảm bảo, đồng thời, mở ra cơ hội để thương hiệu “Chanh Bến Lức” tiến xa hơn”, Giám đốc HTX Vũ Ngọc Báo nhấn mạnh.
Với những hiệu quả vượt trội, huyện Bến Lức đặt mục tiêu nâng tổng diện tích trồng chanh lên 5.000 ha vào năm 2020. Việc mở rộng diện tích đòi hỏi chính quyền địa phương và HTX cần có những chiến lược phát triển toàn diện sản xuất, thị trường, nhằm bảo đảm lợi ích bền vững cho người dân.
Hưng Nguyên