Giun quế là nguồn thức ăn rất tốt cho thủy sản, đặc biệt có tác dụng lớn trong việc tăng sức đề kháng, phòng bệnh cho tôm. Bến Tre là tỉnh phát triển nuôi tôm đồng thời cũng là địa phương có nhiều hộ chăn nuôi bò, nguồn phân bò - thức ăn của giun quế vốn dồi dào.
Hiệu quả kinh tế
Chính vì vậy, cuối năm 2005, anh Trần Đức Tuấn - từ Giám đốc một DN chuyên kinh doanh xe máy ở Bến Tre, đã mạnh dạn vận động một số bạn bè, người quen thành lập HTX Thành Đạt. Đây là HTX đầu tiên của tỉnh Bến Tre đột phá vào lĩnh vực nuôi giun (trùn) quế quy mô lớn theo phương thức công nghiệp. Thời điểm ban đầu, HTX có 14 thành viên, tổng nguồn vốn 650 triệu đồng.
“Vạn sự khởi đầu nan”, do lần đầu tiên bắt tay vào lĩnh vực hoàn toàn mới, anh Tuấn với tư cách là Phó Giám đốc HTX, đã cùng ban lãnh đạo đã đi tham quan nhiều mô hình nuôi giun quế ở Tp.HCM, An Giang để học hỏi kinh nghiệm.
Giun quế thích hợp với môi trường ẩm, thức ăn là phân chuồng, chất thải hữu cơ dạng phân hủy, phân bò là thức ăn tốt nhất cho giun quế. Đây là loại có tốc độ sinh sản rất nhanh. Một cặp giun trưởng thành, chỉ sau 1 năm có thế sinh sản khoảng từ 1.000 - 1.500 con, thời gian từ khi nuôi đến khi thu hoạch thường là 60 ngày. Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, HTX đã rút ngắn chu kỳ nuôi còn 45 ngày, đạt 3kg giun/m2.
Sản phẩm mang lại lợi nhuận cho các thành viên qua việc nuôi giun quế không chỉ là những con giun, mà còn từ phân giun. Theo anh Đức, cứ 3kg phân bò làm nguồn thức ăn sẽ sản sinh ra 1kg phân giun. Với giá phân bò ở mức 50 đồng/kg, giá bán phân giun khoảng 800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi giun thu được 600 đồng/kg phân giun.
Phân giun quế là phân bón hữu cơ rất tốt để chăm sóc nhiều loại cây và rất dễ tiêu thụ. Chỉ riêng phần lãi từ chênh lệch giá phân bò và phân giun đã đủ chi phí trang trải cho việc đầu tư nuôi giun. Mỗi tháng người nuôi thu hoạch từ 700 - 800kg giun/công đất, giá bán từ 85.000 - 90.000 đồng/kg. Nghề nuôi giun đã mang lại đời sống khấm khá cho các thành viên của HTX, giúp các thành viên yên tâm sản xuất, gắn bó với HTX.
![]() |
Một góc trại nuôi giun quế của HTX
Phát triển sinh thái bảo vệ môi trường
Việc nuôi giun quế của HTX không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn nhiều lợi ích cho môi trường. Thức ăn chính của giun là phân bò, các loại rác hữu cơ hoại mục, vì vậy nuôi giun quế góp phần xử lý chất thải từ gia súc, gia cầm, chất thải nông nghiệp một cách hiệu quả.
Với sức tiêu hóa lớn, tác dụng phân giải hữu cơ của giun chỉ đứng sau các vi sinh vật. Một tấn giun có thể tiêu hủy được 70 - 80 tấn rác hữu cơ, hoặc 50 tấn phân gia súc trong 3 tháng. Các nước trên thế giới đã tận dụng cơ năng đặc thù này của giun để xử lý chất thải sinh hoạt, hoặc rác thải hữu cơ, làm sạch môi trường, có hiệu quả tốt.
Phân giun quế rất tốt cho cây trồng, là loại phân hữu cơ thiên nhiên giàu dinh dưỡng nhất. Phân giun có tác dụng điều hòa môi trường đất rất tốt, nó có tác dụng điều hòa dinh dưỡng cải tạo đất, làm cho đất màu mỡ và tơi xốp; giúp cây phát triển ngay cả khi nồng độ pH trong đất quá cao hoặc thấp.
Việc nuôi giun quế lấy phân chính là việc áp dụng công nghệ xử lý rác thải hữu cơ bằng con giun quế, một trong những công nghệ rẻ tiền nhất. Việc sử dụng phân giun làm giảm mức sử dụng phân hóa học, giúp cây trồng phát triển tốt, tăng khả năng chống sâu bệnh, giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu, nhờ đó bảo vệ được môi trường.
Giun quế có thể xử lý chất thải hữu cơ, phân gà, phân lợn, phân bò và chuyển hóa phân bón hữu cơ có chất lượng cao và bằng cách đó cải thiện môi trường sinh thái các vùng nông thôn. Thậm chí, phân của giun cũng có thể xử lý nước thải. Với những khu vực ô nhiễm, nếu nuôi giun cũng làm sạch được môi trường nước.
Thu Hường