Chăn nuôi bò sữa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của hàng nghìn hộ gia đình tại huyện Đơn Dương, trong đó có các thành viên HTX Quảng Lập. Bằng sự nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng đàn bò sữa, sữa của HTX đã được các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Friesland Campina và công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt ký hợp đồng tiêu thụ với giá ổn định.
Thay đổi phù hợp
Theo anh Thái Văn Nhã - Giám đốc HTX, trước đây, gia đình anh và các hộ gia đình trong xã chủ yếu nuôi giống bò sữa địa phương nên chất lượng sữa không cao, lượng sữa thấp. Sau khi liên kết với các doanh nghiệp, thành viên HTX đã được tập huấn, hướng dẫn lai tạo và sử dụng các giống bò cao sản cho chất lượng sữa cao, đáp ứng được các tiêu chí đầu vào cho các doanh nghiệp sữa.
Không dừng lại ở đó, HTX tiếp tục đầu tư phát triển đàn bò. Từ 30 con bò ban đầu, đến nay, đàn bò của HTX đã lên 300 con. HTX cũng tập trung 6 ha để xây dựng chuồng trại và trồng cỏ tạo nguồn thức ăn cho bò với tổng kinh phí hàng tỷ đồng.
HTX đã xây dựng quy chuẩn trong sản xuất cho từng hộ thành viên nhằm bảo đảm các vấn đề về an toàn vệ sinh dịch bệnh |
Để bò phát triển khỏe mạnh, HTX đã xây dựng chuồng trại phù hợp với điều kiện khí hậu và đặc điểm của giống bò cao sản. Sau khi tham khảo ý kiến của doanh nghiệp, các đơn vị liên quan, các thành viên HTX đã nhận ra rằng về tổng thể điều kiện thời tiết, khí hậu ở các vùng khác nhau, điều kiện kinh tế ở mỗi đơn vị cũng khác nhau nên không thể rập khuôn toàn bộ quy trình sản xuất bò sữa công nghệ cao của thế giới, mà phải có sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế.
HTX đã điều chỉnh chuồng trại bằng các loại vật liệu phù hợp nhưng vẫn bảo đảm có mái chống nóng, quạt mát, ô nằm nghỉ cho bò. Mỗi con bò được đánh số cụ thể để tiện theo dõi sức khỏe và chất lượng sữa.
Để bảo đảm sữa luôn được nhà máy thu mua, HTX đã xây dựng quy chuẩn trong sản xuất cho từng hộ thành viên nhằm bảo đảm các vấn đề về an toàn vệ sinh dịch bệnh. HTX luôn quán triệt với các thành viên về vệ sinh máy móc, chuồng trại sạch sẽ, vắt sữa đúng quy trình kỹ thuật, vắt xong phải nhập sữa ngay, tuyệt đối không nhập sữa có vắc xin...
“Nếu không làm đúng, sữa không đạt tiêu chuẩn, HTX sẽ bị phạt và không được công ty nhập sữa trong vòng một tuần. Vì vậy, từng khâu phải được quản lý chặt chẽ”, Giám đốc Thái Văn Nhã cho biết.
Đầu tư, ứng dụng công nghệ
Để xử lý nguồn nước thải từ hoạt động chăn nuôi (chủ yếu là do quá trình dọn dẹp vệ sinh chuồng trại và bài tiết của bò gồm phân, nước tiểu), HTX đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp xử lý sinh học hầm biogas, với chi phí đến gần 2 tỷ đồng. Nước thải và phân sẽ trải qua quá trình tách phân. Phân bò sau đó được ủ thành phân hữu cơ để bón cho diện tích cỏ và phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, HTX đứng ra là đầu mối thu mua sữa của các thành viên để ký hợp đồng cung cấp cho các doanh nghiệp theo số lượng cụ thể thông qua các trạm thu mua sữa. Phẩm cấp, chất lượng sữa được đánh giá tại chỗ, chất lượng cao sẽ được doanh nghiệp thưởng. Giữa người dân và doanh nghiệp mua bán làm việc sòng phẳng qua hợp đồng, không xảy ra tình trạng ép giá như trước đây.
Mỗi ngày, đàn bò của HTX cho khoảng 3 tấn sữa sạch. Các khâu sản xuất đều được cơ giới hóa. Từ khâu làm đất, trồng cỏ, cắt cỏ, nghiền cỏ, trộn cám cho đến vắt sữa đều bằng máy, bảo đảm năng suất và vệ sinh. Công nhân làm việc được tiết giảm tối đa.
Điều này đã chứng minh rằng việc HTX liên kết với doanh nghiệp không chỉ tạo điều kiện trong việc cung cấp giống, công nghệ mà còn là điều kiện để các hộ thành viên liên kết chặt chẽ để mở rộng quy mô trang trại, đạt hiệu quả kinh tế bền vững.
Sự đổi mới, dám đầu tư, ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh liên kết trong sản xuất giữa HTX Quảng Lập và các doanh nghiệp uy tín trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã mang lại lợi ích cho cả hai, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Hoàng Lê