HTX Tả Phìn đã xây dựng được “thiên đường” hoa địa lan tại vùng “rốn rét” Sa Pa quanh năm mây mù. Đây được coi là bước đột phá về du lịch địa phương, một hướng đi mới, đưa du khách trải nghiệm nông nghiệp và đến gần hơn với thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Hiệu quả kinh tế
Khai thác lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn lao động dồi dào ở địa phương, HTX Tả Phìn xác định cây hoa lan là “mũi nhọn” trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế của HTX.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai, HTX đã tiến hành thâm canh hoa địa lan, với 12 hộ thành viên tham gia. Các hộ được hướng dẫn kỹ thuật tách chồi, nhân giống thành các chậu lan.
Mục tiêu của HTX là phát triển hoa địa lan theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bảo quản, nâng cao giá trị kinh tế của cây hoa lan Trần Mộng, đem lại nguồn thu ổn định và bền vững cho các thành viên.
Với quy trình chăm sóc kéo dài 3 - 5 năm, giá bán một chậu hoa lan tại HTX loại nhỏ là 2 - 3 triệu đồng/chậu, loại trung bình 10 - 20 triệu đồng/chậu. Những chậu lớn, nhiều hoa, giá có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Doanh thu của HTX mỗi năm đạt hơn 2 tỷ đồng
Để có được những kết quả trên, HTX đã phải đầu tư lưới che cho lan nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của thời tiết, nhất là vào mùa đông, khi có sương muối.
HTX đã đứng ra cung cấp giống, phân, chậu và lo khâu tiêu thụ. Ngoài ra, HTX còn thu mua lan của người dân trong xã, sau đó cung cấp ra thị trường.
Thành viên HTX chăm sóc vườn lan |
Sản xuất đi đôi với du lịch
Lan là loài hoa cao cấp, có giá trị kinh tế cao hiện đang được nhiều người yêu hoa ưa chuộng. Chính vì vậy, phát triển sản xuất gắn với du lịch là tiền đề để HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm do chính mình làm ra.
Du khách tới tham quan, ngoài việc ngắm hoa còn được trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch hoa tại vườn, tìm hiểu về hoa và lưu lại những kỷ niệm ấn tượng.
Bà Lại Thị Nga - Giám đốc HTX, cho biết: Du lịch sinh thái thân thiện với môi trường luôn tạo được sự hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Chính vì vậy, chúng tôi xác định việc phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ môi trường.
HTX đã thực hiện kiểm tra, lựa chọn từ khâu chọn giống, làm đất, bón phân hữu cơ và nghiêm cấm sử dụng các chất kích thích tăng trưởng trong quá trình chăm sóc.
Trồng địa lan cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng rau, ngô nhưng đòi hỏi đầu tư về vốn và kỹ thuật. Rễ lan chỉ ăn phân trâu ủ hoai mục, chứ không ăn bất kỳ loại phân nào khác, nên việc sử dụng phân, thuốc hóa học là tuyệt nhiên không có. HTX cũng phải sử dụng nước suối để tưới cho cây, nếu sử dụng nước máy, lan sẽ chết vì nước máy có chất sát trùng.
Để thu hút khách, HTX đã tiến hành làm mới nhiều km đường, phục vụ việc đi lại. HTX cũng liên kết với các trang trại trồng rau sạch để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch của du khách.
Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với trồng hoa lan rừng theo hướng thân thiện với môi trường đang là hướng đi hiệu quả.
Giờ đây, du lịch không chỉ là khám phá điểm đến mà du lịch còn là trải nghiệm, là hòa mình cùng với thiên nhiên để hiểu thêm những giá trị bền vững của cuộc sống.
“Thiên đường” hoa lan mà HTX đầu tư không chỉ là nơi trải nghiệm mà còn giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của du khách.
Như Yến