Hà Giang là vùng đất được thiên nhiên ban tặng một điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt để tạo nên những trái cam sành mang hương vị riêng biệt, ngọt ngào và hấp dẫn. Cam sành Hà Giang đã đạt Danh hiệu Vàng “Món ngon - Tinh hoa ẩm thực Việt 2”, đạt “TOP 10 sản phẩm dịch vụ người tiêu dùng tin cậy”.
Mô hình theo chuẩn Viet GAP
Góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ và quảng bá thương hiệu cam sành Hà Giang nổi tiếng là HTX sản xuất cam sành Viet GAP Hà Giang. HTX được thành lập cuối năm 2014, tại xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. HTX là mô hình sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn Viet GAP. Cây cam ở Hà Giang từ lâu đã trở thành một thứ cây truyền thống, mang giá trị kinh tế giúp người dân nâng cao cuộc sống.
Cam của HTX được trồng trên cao nguyên Hà Giang. Trong quá trình trồng cam, HTX không sử dụng chất kích thích, chất bảo quản và những quả cam được HTX vận chuyển trực tiếp từ vườn đến tận bàn ăn của người tiêu dùng. Trung bình, mỗi năm HTX thu trên 50 tấn cam sành phục vụ người tiêu dùng trong tỉnh và một số tỉnh thành lân cận, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội.
Ông Hoàng Quyết Thắng - Giám đốc HTX sản xuất cam sành VietGAP, cho biết: Cam là loại cây khó tính. HTX đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành tập huấn cho các thành viên của mình quy trình kỹ thuật chăm sóc từ lúc cây non đến khi cho thu quả. Sản phẩm cam sành của HTX được chăm sóc theo kỹ thuật do Trung tâm giống cây trồng và Trung tâm đo lường vùng I hướng dẫn, sử dụng các loại phân bón sinh học theo quy trình Viet GAP.
Sản phẩm cam sành của HTX đã được kiểm tra và cấp chứng nhận tiêu chuẩn Viet Gap và đã được chứng nhận ATVSTP của Sở Y tế tỉnh Hà Giang.
![]() |
Sản phẩm cam sành của HTX đã được kiểm tra và cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGap
Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao
“Cam của HTX ngon, có mùi thơm đặc trưng như thế, song không hiểu tại sao, nhiều loại cam không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém xa cam Hà Giang, lại được nhãn mác cam sành Hà Giang và bày bán tràn lan khắp thị trường, nhất là ở các thành phố lớn. Điều này khiến HTX trồng cam Hà Giang VietGap chính hiệu bị ảnh hưởng, đôi khi còn phải chịu cảnh cam treo cây, thương lái ép giá…”, ông Thắng trăn trở.
“Cam Trung Quốc và một số loại cam khác có vỏ mịn hơn và màu vàng chanh. Còn cam của HTX, khi bóc ra sẽ thấy vỏ quả rất dày, những múi cam có màu đỏ tươi, đậm màu hơn các loại cam khác”, ông Thắng khuyến cáo.
Được biết, trong những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã có nhiều giải pháp phát triển cây cam theo hướng sạch từ vùng nguyên liệu; chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hà Giang. Đồng thời, ban hành nhiều chính sách nhằm ưu tiên mở rộng diện tích và không ngừng nâng cao giá trị của sản phẩm cam sành. Tính đến cuối năm 2015, tổng diện tích cam sành của tỉnh đạt 5.709 ha. Riêng vụ cam 2015 - 2016 vừa qua, tổng thu nhập của các hộ đạt 144,7 tỷ đồng.
Nhằm tăng năng suất và nâng cao giá trị của sản phẩm cam sành Hà Giang, tỉnh đang tích cực triển khai hiệu quả chương trình “Phục hồi và phát triển cây cam sành”, “Đẩy mạnh phát triển cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP”... một trong những đơn vị thực hiện có hiệu quả chương trình này là HTX sản xuất cam sành Viet GAP Hà Giang…
Theo Giám đốc HTX sản xuất cam sành VietGAP Hoàng Quyết Thắng, định hướng của HTX trong thời gian tới là sẽ đưa sản phẩm cam Hà Giang vào các hệ thống siêu thị lớn trên thị trường miền Bắc, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ngọc Cầm