Xác định lúa là cây trồng chủ lực tại địa phương, với vai trò là đầu mối liên kết, HTX Dịch vụ nông nghiệp ấp 1/5 đã cùng địa phương và người dân chú trọng sản xuất lúa theo hướng nâng cao giá trị thương mại, tạo lợi thế khi đưa ra thị trường.
Sử dụng công nghệ hiện đại
Giám đốc HTX 1/5 - ông Nguyễn Văn Bình, cho biết hiện nay, các thành viên trồng lúa trên cánh đồng lớn không phải tốn nhiều công sức bởi từ khâu làm đất đến thu hoạch đều sử dụng công nghệ máy móc, vật tư ứng dụng vào sản xuất thân thiện môi trường nên kéo giảm giá thành, tăng lợi nhuận.
Hiện, HTX đang sản xuất trên diện tích 310 ha, trong đó có 70 ha lúa sản xuất theo hướng VietGAP và 60 ha sản xuất theo hướng hữu cơ hoàn toàn, có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Giá lúa của HTX cao hơn giá lúa thông thường khoảng 800 - 1.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn trên 3 triệu đồng/ha.
Mục tiêu của HTX là giúp các thành viên và người dân giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất và thu nhập, từ đó phát triển ổn định và thân thiện với môi trường.
![]() |
HTX đang sản xuất trên diện tích 310 ha |
Hiện, hai diện tích trồng lúa VietGAP và lúa hữu cơ được HTX quy hoạch thành hai vùng riêng để bảo đảm không ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc, đồng thời tạo vùng đệm nhằm hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.
Để phục vụ sản xuất, HTX đã ứng dụng tia laze trong san phẳng mặt ruộng, dùng máy bơm năng lượng mặt trời, áp dụng quy trình 1 phải 6 giảm... Trong quá trình chăm sóc, HTX thực hiện giảm lượng phân đạm bón vào, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật suốt vụ bằng cách ưu tiên sử dụng phân hữu cơ tan chậm, chỉ bón một lần duy nhất trong vụ lúa.
Theo Ban Giám đốc HTX, hầu hết các loại phân bón xuống ruộng là tan liền, trong đó khoảng 60% lượng phân đạm bị mất đi do bốc hơi, trôi rửa… lúa chỉ hấp thụ 40%. Phân kali, lân… cũng tương tự. Ngoài tỷ lệ hao hụt cao, bón nhiều phân còn gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính…, trong khi phân tan chậm lại giải quyết được những vấn đề này.
Song song đó, công nghệ sinh thái trồng hoa dọc bờ ruộng (sao nhái, mè, đậu bắp…) cũng đã được các thành viên và nông dân thực hiện để thu hút thiên địch, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường sinh thái.
Nếu như nhiều địa phương liên tục bổ sung nước cho cây lúa, thì tại HTX, việc tưới nước luân phiên xen kẽ giữa ướt và khô giúp tiết kiệm nước tưới, giải độc đất, hệ thống rễ lúa ăn sâu chống đổ ngã, giảm phát thải khí nhà kính. Tưới nước luân phiên còn giúp nền đất cứng giúp thu hoạch dễ dàng, ít thất thoát bằng máy gặt đập liên hợp.
Quy tụ người dân vào HTX
Song song với việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến, HTX cũng thực hiện quản lý mực nước tự động qua hệ thống cảm biến được điều khiển bằng điện thoại thông minh. Bằng hình thức này, nông dân có thể chủ động mực nước mọi lúc, mọi nơi. Người trồng lúa cũng tiết kiệm được nhiều chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm nhân công...
Từ khi sản xuất lúa thông minh, thành viên và nông dân đã nhận thức được nhiều vấn đề quan trọng mà trước đây vẫn luôn xem thường. Chẳng hạn về lượng giống, thông thường người dân xuống giống khoảng 130 - 150 kg/ha, nhưng nay chỉ còn 80 kg/ha.
Nếu như trước đây, một phần diện tích canh tác bị nhiễm phèn làm cho rễ lúa kém phát triển thì nay, cách dùng phân khoa học giúp giảm phèn nên rễ lúa phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 5,4 - 5,8 tấn/ha.
Anh Võ Văn Tiến - thành viên HTX, phấn khởi cho biết: “Khi tham gia sản xuất lúa thông minh, tuy chi phí ban đầu có cao hơn, nhưng bù lại, giá lúa làm theo quy trình này bán được giá nên lãi nhiều hơn. Bên cạnh đó, gia đình còn được hỗ trợ về kỹ thuật, giống, thu hoạch lúa… ”.
Long An là một trong các tỉnh của vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, với những tác động từ những hiện tượng cực đoan, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Việc quy tụ người dân vào HTX sản xuất theo hướng hiện đại như HTX 1/5 đã góp phần không nhỏ chuyển hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro cho nông dân. Thành công này đã thể hiện vai trò quan trọng của mô hình HTX nông nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.
Ngọc Thọ