Thu nhập bình quân của người lao động đạt 3-4 triệu đồng/người/tháng |
Từ khi thành lập đến nay, hàng năm, HTX đều phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp tỉnh, Trung tâm dạy nghề của huyện,… mở các lớp đào tạo nghề mây tre đan cho phụ nữ trong và ngoài địa phương.
Sau khi được đào tạo, học viên được làm việc tại HTX hoặc tự thành lập các tổ sản xuất theo khu vực thôn, xóm, các hộ gia đình, mỗi hộ từ 3 đến 10 lao động do một người phụ trách.
Chú trọng dạy nghề
Những ngày đầu thành lập, HTX gặp không ít khó khăn, người lao động chưa được đào tạo bài bản và chưa có tác phong công nghiệp. Hơn nữa sản phẩm chủ yếu chỉ là vật dụng gia đình đơn giản như: Quạt nan, bình đựng ấm trà… nên nhiều khi hàng đưa đi bị trả về.
Để duy trì việc sản xuất và lấy uy tín ngay từ ban đầu, giám đốc Đặng Ngọc Phùng đã phối hợp với các ngành mở các lớp dạy nghề cho người lao động; đưa các mẫu mã mới phù hợp với xu thế của thị trường vào làm…
Với ưu điểm dễ học, dễ làm, lại có thể tận dụng được thời gian lúc nông nhàn mà thu nhập cũng khá so với làm ruộng nên nghề mây tre đan đã nhanh chóng thu hút được đông đảo người lao động trong và ngoài địa phương đăng ký học và làm.
Theo thống kê của HTX, tính từ khi thành lập đến nay, HTX mở hàng chục lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Song song với đó, HTX còn luôn chú trọng việc tìm kiếm thị trường, nâng cao uy tín chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm của đơn vị ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Vốn nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường và nhu cầu việc làm ở khu vực nông thôn, năm 2015, HTX mây tre đan Phùng Hưng đã có một bước tiến mới, đó là mở thêm mặt hàng may gia công.
HTX đầu tư hàng chục chiếc máy may công nghiệp để may gia công các sản phẩm quần áo,... tạo công ăn việc làm thêm cho người lao động. Hiện nay, HTX tạo việc làm ổn định cho hơn 400 lao động trong và ngoài xã với thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Coi trọng công tác tuyên truyền
HTX Mây tre đan Phùng Hưng đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền về bảo hộ lao động. Từ đó, ý thức của mỗi cán bộ, công nhân, lao động của HTX về công tác ATVSLĐ, PCCN được nâng cao, chấp hành nghiêm túc các nội quy, quy định của HTX về công tác ATVSLĐ, PCCN.
Ngay từ khi tuyển dụng, HTX đã tiến hành bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh công nghiệp và an toàn cho người lao động. Lãnh đạo HTX thường xuyên nhắc nhở công nhân, lao động thực hiện đúng nội quy đề ra, sắp xếp nguyên vật liệu và sản phẩm ngăn nắp; đồng thời lắp đặt hệ thống phòng cháy tại các phân xưởng, kiểm tra thường xuyên để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu mất an toàn.
Ông Đặng Ngọc Phùng, Giám đốc HTX, người có công trong việc khôi phục và phát triển nghề mây tre đan truyền thống tại địa phương, cho biết: sản phẩm của HTX đều phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nga, Đài Loan và Nhật Bản. Vì vậy, việc đảm bảo ATVSLĐ trong sản xuất còn là yếu tố quan trọng để sản phẩm được nhập khẩu vào một nước nào đó.
Ngoài yếu tố chất lượng, nhiều thị trường nước ngoài yêu cầu sản phẩm đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động. Chính vì vậy, Ban Giám đốc, Ban Chấp hành Công đoàn và công nhân, lao động xác định rõ tầm quan trọng công tác ATVSLĐ, PCCN.
Trong suốt quá trình hoạt động, HTX Mây tre đan Phùng Hưng luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, PCCN, coi đó là tiền đề để tạo ra hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Những năm qua, HTX không để xảy ra tai nạn lao động, cũng như cháy nổ. Nhờ làm tốt công tác ATVSLĐ, PCCN nên tình hình sản xuất, kinh doanh của HTX Quang Minh luôn ổn định, phát triển. Đời sống thành viên, công nhân, lao động HTX Mây tre đan Phùng Hưng được từng bước được cải thiện.
Trần Minh