Năm 2015, HTX Phú Hưng chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 và nhanh chóng thay đổi cách quản lý để thích ứng với mô hình mới.
Là địa phương không có điều kiện thuận lợi về khí hậu, nên địa hình đồi núi đã được người dân dịa phương nói chung và HTX nói riêng tận dụng để phát triển kinh tế. Trồng rừng cũng là truyền thống của con người nơi đây.
Trồng rừng FSC
Trước đây, rừng cũng là tài sản của mô hình kinh tế hợp tác, nhưng các thành viên HTX chỉ sản xuất theo phương pháp truyền thống, chưa quen với cách sản xuất chặt chẽ, khoa học theo tiêu chuẩn trồng rừng quốc tế.
Được cán bộ Chi cục Lâm nghiệp và tổ chức WWF Việt Nam tích cực hỗ trợ, HTX đã áp dụng trồng rừng và bảo vệ rừng theo chứng chỉ FSC (Hiệp hội Quản lý rừng quốc tế) bắt đầu từ năm 2011.
Công tác trồng rừng của HTX cũng thay đổi từ khi đào hố, đặt cây, chăm bón, bảo vệ, theo dõi quá trình phát triển của cây cho đến ngày khai thác, vận chuyển gỗ. HTX đã tiến hành chuyển hóa rừng trồng gỗ dăm sang trồng gỗ lớn. Với mật độ trồng rừng truyền thống 1.600 cây/ha, HTX đã tiến hành tỉa thưa để bảo đảm mật độ rừng còn 800 - 900 cây/ha theo tiêu chuẩn.
HTX còn bố trí thêm cán bộ phát triển, chuyên ngành nông lâm để thuận lợi trong quản lý và hướng dẫn các kỹ thuật mới về nông, lâm nghiệp cho thành viên HTX và người dân.
Nhờ áp dụng phương pháp trồng rừng một cách khoa học, bài bản mà rừng trồng của HTX phát triển tốt, mang lại hiệu quả cao. Mỗi năm, HTX khai thác khoảng 30ha, giá trị thu lại gần 700 triệu đồng/năm. Bình quân mỗi ha sẽ mang lại 2,5 triệu đồng, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với mức lương 2,5 triệu đồng/người và mức lương của các thành viên HTX là 7 triệu đồng/người.
Đáp ứng hàng loạt các tiêu chí khắt khe, nên gỗ rừng trồng của HTX đã được xuất bán ra nước ngoài, mở hướng đột phá trên con đường phát triển sản xuất của HTX.
![]() |
Mô hình rừng gỗ nhỏ chuyển hóa sang rừng gỗ lớn ở HTX
Lợi ích to lớn
Quá trình trồng và phát triển rừng của các thành viên đều được HTX chia lãi cổ tức theo mức đóng góp và trả công chăm sóc, bảo vệ rừng hàng năm đầy đủ nên mọi người đều yên tâm sản xuất, không còn lo lắng vì thời gian cho một đợt khai thác rừng là khá dài.
Đến nay, diện tích rừng được đánh giá, cấp chứng chỉ FSC của HTX đạt 116 ha. Nhờ được bảo vệ, chăm sóc tốt nên trữ lượng rừng ở đây cũng đạt mức kỷ lục 180 tấn/ha, tăng gấp đôi so với trữ lượng trồng rừng FSC hiện nay ở các địa phương khác.
Rừng không chỉ mang lại cuộc sống no ấm cho các thành viên HTX, mà còn góp phần BVMT sinh thái, chống biến đổi khí hậu ở địa phương. 270 diện tích rừng do HTX quản lý (ngoài rừng trồng còn có 110 ha rừng thông) thì từ ngày chuyển sang trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, HTX đã giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng nên đã góp phần tích cực trong việc giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác, trồng lại rừng gây ra.
Trước đây, diện tích đất nông nghiệp của địa phương luôn trong tình trạng thiếu nước sản xuất ở vụ Hè Thu, do mực nước của các mương, hồ thường khô cạn vào giữa tháng 7 hàng năm. Nhưng từ khi diện tích rừng của HTX được chăm sóc kỹ lưỡng nên vấn đề thiếu nước tưới do hạn hán đã không còn.
Ông Nguyễn Thể - Giám đốc HTX, cho biết trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế, HTX phải bảo đảm trồng và quản lý rừng phù hợp với môi trường, tức là bảo đảm rằng việc sản xuất gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các dịch vụ hệ sinh thái phải duy trì đa dạng sinh học, năng suất của rừng. Trồng rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích xã hội to lớn.
Với doanh thu được bảo đảm từ rừng, nguồn vốn tự có của HTX cũng lớn dần lên. HTX đã có nguồn tiền mặt cung ứng kịp thời cho các thành viên vay để giải quyết các nhu cầu thiết yếu trong đời sống, cũng như đầu tư sản xuất.
Đến nay, hầu hết các thành viên HTX đều đầu tư mua xe ôtô để vận chuyển hàng hóa thuận lợi. 100% cán bộ và thành viên HTX đều được tham gia đóng bảo hiểm, bảo đảm lợi ích cá nhân và xã hội.
Như Yến