Năm 2002, HTX ra đời với 17 thành viên cùng chung chí hướng. Ông Tăng Văn Tuối - nguyên Giám đốc HTX (thời điểm đó gọi là Chủ nhiệm), một người có đóng góp lớn lao cho sự phát triển của HTX, cho biết lúc mới thành lập, không ít ý kiến băn khoăn làm sao để đưa HTX phát triển, tránh lối mòn HTX thời bao cấp về phương thức làm ăn, phân chia lợi nhuận.
Minh bạch trong quản lý tài chính
Sau khi bàn bạc, ban lãnh đạo cùng các thành viên thống nhất phương thức hoạt động của HTX tuân thủ mục tiêu nâng cao tính tương trợ cho tất cả các thành viên đạt hiệu quả cao trong sản xuất.
HTX quản lý vận thành theo phương pháp khoán đất. Nghĩa là đất của nhà ai, nhà đấy tự làm, nhưng phải thực hiện nguyên tắc “5 cùng”: cùng chuẩn bị ao, cùng lấy nước, cùng thả giống, cùng chế độ chăm sóc, quản lý và phòng trừ dịch bệnh, đồng thời thông báo cho nhau biết về tình trạng nuôi tôm hàng ngày.
Không chỉ đồng lòng áp dụng nghiêm ngặt các quy tắc kỹ thuật trong sản xuất, các thành viên còn tự nguyện đóng góp tiền thành lập một khoản quỹ của HTX chuyên hỗ trợ cho các thành viên chẳng may xảy ra rủi ro khi nuôi thả tôm có vốn vay để tái đầu tư.
Để tạo sự tín nhiệm và đồng thuận cao của tất cả xã viên, Ban lãnh đạo HTX điều hành, quản lý thu - chi minh bạch, rõ ràng, đồng thời biết định hướng hoạt động, kế hoạch, phương án sản xuất thích hợp, kịp thời cho từng vụ nuôi tôm.
Nuôi tôm sạch là hướng đi đúng của HTX, mang lại hiệu quả cao về kinh tế cho các thành viên. Ông Ngô Thanh Tuấn - Giám đốc HTX, cho biết hiện HTX đã ký kết với các nhà máy nuôi tôm theo hướng VietGap. Vụ nuôi tôm 2015 - 2016, số xã viên đã tăng lên và thu nhập mỗi hộ thấp nhất là 200 triệu, cao nhất lên tới 1 tỷ đồng.
![]() |
Ao nuôi tôm của HTX
Nuôi ghép để cải tạo môi trường
Nuôi tôm đem lại nguồn thu lớn cho các thành viên của HTX, nhưng không phải con đường làm kinh tế luôn suôn sẻ. Dịch bệnh là một thách thức lớn cho người nuôi tôm nói chung và các thành viên của HTX nói riêng. Ông Tuấn nhớ lại thời điểm năm 2011, khi hội chứng teo và hoại tử gan tụy trên tôm bùng phát trên diện rộng, cũng là thời điểm toàn bộ hơn 53ha của HTX bị thiệt hại nặng nề, trên 3 tỷ đồng bị mất trắng. Đây là thiệt hại lớn đầu tiên của HTX.
Rút kinh nghiệm của đợt thiệt hại, để nuôi tôm bền vững, năm 2012, HTX đã cải tạo ao nuôi, thả nuôi tôm với mật độ thưa, thực hiện nuôi ghép với cá rô phi trong ao lắng và ao nuôi. Kết quả, vụ nuôi 2012 - 2013 HTX thắng lớn, đạt lợi nhuận trên 11 tỷ đồng, hộ xã viên có lãi mức cao nhất 2 tỷ đồng, thấp nhất 70 triệu đồng.
Sau này, cùng với cá rô phi, nhiều hộ thành viên còn nuôi ghép cả cá kèo với tôm, đây là mô hình nuôi tôm sạch, an toàn dịch bệnh. Trong suốt quá trình nuôi tôm, các thành viên của HTX không sử dụng bất kỳ một loại kháng sinh, hóa chất nào để phòng trị bệnh, chỉ nuôi luân canh với cá kèo cá rô phi để cải tạo chất đáy.
Nói cách khác, việc nuôi ghép cá rô phi, cá kèo với tôm không nhằm mục đích tăng doanh thu mà để cải tạo môi trường nước. Trước khi thả tôm khoảng từ 7-10 ngày, HTX cho thả cá kèo, cá rô phi xuống ao.
Theo ông Tăng Văn Tuối, cái hay của phương pháp nuôi tôm cá này là 20 ngày đầu khi thả tôm có tính thêm thức ăn cho cá kèo và cá rô phi, lượng thức ăn cho cá kèo và cá rô phi tương đương 2% khối lượng cá thả. Sau 20 ngày, chỉ tính thức ăn cho tôm, không cho rô phi và cá kèo ăn nữa, vì chúng đã ăn chất thải của tôm và thức ăn dư thừa.
“Nhờ chất thải và thức ăn dư thừa của tôm được cá “xử lý” nên đáy ao luôn sạch. Nói cách khác, môi trường ao nuôi luôn trong sạch, ức chế các sinh vật có hại, thúc đẩy các sinh vật có lợi phát triển từ đó tăng sức khỏe khiến tôm nhanh lớn, tỷ lệ sống đạt tới trên 90%”, ông Tuối nói.
Thu Hường