Nghề trồng rau đã có ở vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Côn thuộc làng Thuận Nghĩa thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định kể từ khi người Việt đến nơi này khai hoang lập làng.
Tự bao đời, người dân vùng Thuận Nghĩa đã sống và làm giàu bằng nghề trồng rau và cứ như vậy, thế hệ này nối tiếp thế hệ sau bám đất bám làng trồng rau mà giữ lấy nghề của cha ông.
Áp dụng mô hình VietGap
Nhằm hướng tới việc đa dạng hóa các loại rau trồng và trồng theo mô hình rau sạch VietGAP, đồng thời giữ gìn nghề trồng rau truyền thống của cha ông, HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa được thành lập với 65 hộ dân tham gia, canh tác trên diện tích 36hecta.
HTX có trụ sở tại khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Sau khi tiến hành Đại hội thành lập HTX và có văn bản gửi Phòng NN & PTNT huyện, phòng Kinh tế thị xã theo đúng thông tư hướng dẫn về đăng ký HTX và được chấp nhận, HTX bắt đầu hoạt động từ ngày 01/01/1999.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa, ông Quách Văn Cầu, cho biết: “Rau sạch của HTXNN Thuận Nghĩa đã được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng II, thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn rau VietGAP”.
Theo ông Cầu, quy trình trồng rau theo phương thức VietGAP không khó; liều lượng, thời gian dùng thuốc, phân bón… phải đúng cách, hợp lý, đúng chu kỳ, quy trình và không làm ảnh hưởng xấu tới môi trường, đảm bảo chất lượng rau sạch, không ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng. Sau khi thu hoạch, các loại rau VietGAP được đưa vào nhà sơ chế và đóng gói.
Ông Cầu cho biết, từ năm 2010 đến năm 2014, vùng trồng rau Thuận Nghĩa đã được tham gia Dự án Sinh kế nông thôn bền vững do New Zealand tài trợ.
![]() |
Rau VietGAP được đưa vào nhà sơ chế và đóng gói
Duy trì kiểm tra, giám sát
Với cách thức sản xuất tiên tiến nhất – trồng rau theo hướng an toàn VietGAP, nhờ có cơ chế quản lý hoạt động giám sát lẫn nhau giữa các hộ nông dân tham gia, HTX đã bảo vệ và phát triển được thương hiệu rau An toàn Thuận Nghĩa. Theo qui định, nếu ai làm sai phương pháp, quy trình thì bị phát hiện ngay lập tức và được HTX thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở.
Các xã viên cũng đảm bảo đúng qui trình trong các khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và nước tưới cho rau. HTX thường xuyên tiến hành kiểm tra, có các biện pháp khắc phục nếu phát hiện ra sai sót.
Nhờ vậy, rau sạch Thuận Nghĩa luôn có chỗ đứng trên thị trường. Mỗi ngày, HTX xuất bán gần 500kg rau tại Co.opmart Quy Nhơn và nhiều địa phương ngoài tỉnh. Ông Cầu còn cho biết, riêng dịp giáp Tết Bính Thân 2016, HTX đã cung ứng mỗi ngày khoảng 3.000 kg rau cho các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên…
Vào dịp rét, giá rau tăng mạnh, khổ qua tăng từ 4.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg, dưa leo tăng từ 3.000 đồng lên 8.000/kg, rau ăn lá và rau gia vị các loại tăng từ 1.500 đồng lên 2.500 đồng/bó…
Với thời gian canh tác như nhau nhưng rau trồng VietGAP được bán với giá cao so với giá rau không trồng theo quy trình này. Người dân vùng rau Thuận Nghĩa xuất bán khoảng từ 5 tấn đến 10 tấn rau mỗi ngày ra thị trường rau, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt gần 50 triệu đồng/năm.
Ngọc Cầm