Kể từ năm 2017 đến nay, HTX Nghĩa Hưng duy trì diện tích cây ăn quả lớn, với cây có múi là cây trồng chủ lực, tổng diện tích gần 30 ha. HTX cũng đang đáp ứng tốt các dịch vụ về giống cây, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật và tổ chức hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, nông dân.
Thay đổi lớn nhất của HTX hiện tại so với thời điểm đầu thành lập là sự mở rộng đáng kể về quy mô sản xuất, an toàn lao động (ATLĐ), thị trường tiêu thụ ổn định, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá trị kinh tế liên tục được gia tăng.
Đổi mới tư duy
Năm 2018, tổng sản lượng cây có múi của HTX Nghĩa Hưng đạt trên 300 tấn quả, doanh thu xấp xỉ 6 tỷ đồng. Những vườn cây với hệ thống tưới tự động, quá trình bón phân, phun thuốc và thu hoạch đều tuân thủ theo quy trình VietGAP cho thấy sự chuyển biến căn bản trong tư duy sản xuất của thành viên.
Tham gia HTX từ những ngày đầu, chị Đàm Thu Hiền (xã Mường Cơi) chia sẻ: “Trong quá trình trồng cam, tất cả thành viên HTX phải tuân thủ quy trình chăm sóc an toàn, việc sử dụng thuốc, phân bón được kiểm soát chặt chẽ, các quy định về ATLĐ được chú trọng”.
Nhờ sản xuất an toàn, 1 ha trồng cam có thể cho thu nhập trên 300 triệu đồng, gấp 10 - 15 lần so với các cây truyền thống trong vùng như ngô, sắn (với thu nhập chỉ đạt 20 - 25 triệu đồng/ha). Các giá trị về kinh tế, ATLĐ được nâng cao, giúp thành viên HTX yên tâm sản xuất.
“Trước đây, chúng tôi trồng cây chỉ quan tâm đến năng suất, còn chất lượng, thị trường thì luôn bị động. Khi có HTX, các hộ trồng cây đã mạnh dạn thay đổi tư duy, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh”, chị Hiền tiếp tục.
Không chỉ đem lại lợi ích vượt trội cho thành viên, hoạt động của HTX Nghĩa Hưng đang có tác động tích cực, thay đổi tư duy sản xuất của người dân, góp phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cây có múi đang trở thành cây kinh tế chủ lực tại Phù Yên |
Kết nối thị trường
Ông Nguyễn Duy Khanh - Giám đốc HTX Nghĩa Hưng, chia sẻ: “HTX được thành lập với vai trò liên kết người dân trong sản xuất, đẩy mạnh khoa học - kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, gia tăng giá trị kinh tế, bảo đảm ATLĐ, vệ sinh thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Trong quá trình sản xuất, thành viên HTX và các hộ trồng cây được tổ chức tập huấn và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn, từ khâu lựa chọn vùng sản xuất, giống và ghép cành, quản lý đất và giá thể, đến việc sử dụng phân bón, nước tưới, kỹ thuật chăm sóc…
Quá trình sản xuất của HTX cũng được gắn liền với hoạt động tư vấn hình thành nhóm hộ, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký mã số, mã vạch, in bao bì, nhãn mác… làm cơ sở để HTX tăng tính nhận diện cho sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và tiếp cận với những thị trường lớn.
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cam Phù Yên”, đây là một bước ngoặt quan trọng để HTX đẩy mạnh hoạt động quảng bá, nâng cao thương hiệu sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Kể từ năm 2018, HTX cũng đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, chủ động liên kết với HTX, doanh nghiệp cùng lĩnh vực, để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, điển hình như chuỗi cửa hàng Bác Tôm (Hà Nội), HTX trồng cam Văn Yên (Sơn La)…
Sự chủ động trong tiếp cận các thị trường khó tính nhưng mang tính bền vững như siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, thay vì phụ thuộc vào bán lẻ, bán buôn cho tư thương, giúp HTX nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm sản xuất an toàn cho thành viên, nông dân trên địa bàn.
Sáu Ngạn