Một trong những cây trồng phù hợp với đồng đất Đồng Sơn là cây khoai môn. HTX Nam Đồng đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa đi đôi với áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị cây trồng này.
Sản xuất bền vững
Trên diện tích đất ruộng trước đây cấy lúa, HTX thực hiện phá bờ, tạo thành cánh đồng lớn với diện tích 45 mẫu. Để thuận tiện cho việc tưới tiêu, các thành viên tiến hành đánh luống rộng khoảng 1m, mỗi luống cách nhau 40cm. Với nguồn giống bảo đảm chất lượng được doanh nghiệp hỗ trợ, HTX tiến thành trồng cây cách cây 25cm.
Trong quá trình canh tác, HTX tuân thủ nguyên tắc sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón hóa học độc hại. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như rơm, phân chuồng, phụ phẩm từ rau củ quả, các thành viên đã ủ thành phân hữu cơ để chăm bón cho cây. Ngoài ra, HTX còn được doanh nghiệp hỗ trợ các loại phân, thuốc hữu cơ phù hợp cho khoai môn phát triển.
Khoai môn ở giai đoạn đầu của quá trình sinh trưởng và phát triển. |
Thay vì dùng thuốc diệt cỏ, các thành viên thường xuyên xới xáo làm sạch cỏ dại trên các luống khoai. Việc xới đất cũng phải nhẹ nhàng vì khoai môn có bộ rễ ngắn, nếu xới không cẩn thận sẽ làm đứt rễ.
Giai đoạn từ khi trồng đến khi cây con và giai đoạn từ khi hình thành bị chuột hại cao hơn các giai đoạn khác. Chuột cắn đứt mầm, thân cây trên mặt đất hoặc đào, bới cắn phá củ. Để giải quyết vấn đề này, HTX thực hiện đào bắt thủ công, kết hợp dùng các loại bẫy bắt chuột và sử dụng bả sinh học. Phòng chống chuột hại chỉ có hiệu quả khi tổ chức phát động cộng đồng đồng loạt diệt chuột, nên HTX đã tuyên truyền và kêu gọi người dân cùng tham gia diệt chuột trên diện rộng để nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an toàn cho người, động vật nuôi và bảo vệ môi trường.
Điều đặc biệt là sau khi thu hoạch củ, toàn bộ phần lá và thân cây khoai môn được tận dụng để ủ chua làm thức ăn phục vụ chăn nuôi hoặc ủ làm phân bón cho cây trồng. Sau thu hoạch, công việc cải tạo đất bằng cách cày xới thật kỹ, bón nhiều phân chuồng, bón vôi để diệt khuẩn được thực hiện nhằm khử trùng, hạn chế tình trạng củ bị thối, sượng, đồng thời giúp đất tơi xốp hơn…
Với những cách làm này, cây khoai sinh trưởng phát triển tốt, đất tơi xốp, giảm ô nhiễm môi trường, chất lượng củ được nâng cao.
Theo các thành viên, chi phí tự sản xuất phân hữu cơ chỉ vài nghìn đồng/kg, rẻ hơn các loại phân vô cơ bán trên thị trường. Còn phân, thuốc hữu cơ do doanh nghiệp cung cấp được hỗ trợ 30-50% giá nên chi phí sản xuất giảm tối đa.
Sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp các biện pháp thủ công một cách khoa học vừa giúp các thành viên tiết kiệm được chi phí mua phân bón, vừa cải tạo được đất, bảo vệ được môi trường và nâng cao chất lượng nông sản. Đây đều là những yêu cầu cần đạt được khi liên kết với doanh nghiệp.
Hiệu quả nhờ liên kết
Hiện, khoai môn do HTX sản xuất có trọng lượng tương đối đồng đều, ruột thơm, có độ bở cao và ít thối nên khách hàng rất ưa thích. Sau khi thu hoạch, khoai sẽ được phân loại, doanh nghiệp đến thu mua tận nơi với giá 22.000 đồng/kg và xuất bán cho các đại lý tại khu vực miền Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nam Đồng, khoai môn là giống cây không khó trồng, ít sâu bệnh, khả năng chịu úng ngập tốt và không mất nhiều công chăm sóc.
Người dân phân loại khoại môn trước khi doanh nghiệp đến thu mua. |
Do được trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên toàn bộ diện tích khoai môn đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao, bình quân 8-9 tạ/sào. Nhờ việc ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, mỗi sào cho thu nhập cao hơn cấy lúa 7-8 lần.
Không chỉ nâng cao thu nhập cho thành viên, mô hình trồng khoai môn còn tạo việc làm thời vụ cho 20-30 lao động địa phương với mức tiền công 200.000 đồng/ngày.
Có thể thấy, chuỗi liên kết giá trị gắn sản xuất với thị trường giữa HTX Nam Đồng và doanh nghiệp đã mở ra hướng đi hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và gia tăng nguồn thu cho người dân địa phương. Đây cũng là cách làm bền vững, giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nên được địa phương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển.
Huyền Trang