Là đơn vị đầu tiên của Tp.Hải Phòng thực hiện chủ trương xã hội hóa thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, bà Đoàn Thị Mơ - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết những ngày đầu mới đi vào hoạt động, HTX gặp rất nhiều khó khăn, hoàn toàn tự chủ về nguồn lực tài chính. HTX đã đầu tư 3 tỷ đồng mua 2 xe ôtô chuyên dùng, 60 xe gom rác, dụng cụ thu gom và trang bị bảo hộ lao động cho 40 công nhân. Hằng ngày, HTX thu gom, vận chuyển gần 70 tấn rác thải về bãi xử lý của thành phố.
Nỗ lực thay đổi thói quen tùy tiện
Thời điểm đầu, không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, ý thức người dân vẫn còn chưa cao, thói quen tùy tiện, vứt rác bừa bãi còn phổ biến, Ban lãnh đạo HTX cùng các thành viên đã nỗ lực đến từng hộ tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích hoạt động của HTX. Từ đó, người dân đồng tình ủng hộ, thay đổi thói quen, có ý thức hơn trong giữ gìn vệ sinh môi trường (VSMT).
Từ ngày HTX hoạt động đến nay, cảnh quan đường làng ngõ xóm địa bàn HTX quản lý sạch đẹp hơn nhiều so với thời điểm trước, không còn tình trạng tồn đọng rác thải qua đêm tại khu dân cư.
Những nỗ lực của Ban lãnh đạo HTX và các thành viên trong 9 năm qua đã đem đến thành công trong lĩnh vực hoạt động VSMT và các lĩnh vực khác. HTX đã giải quyết việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm quyền lợi cho hàng trăm lao động địa phương.
Được sự tin tưởng của địa phương, mới đây, HTX được giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án “Xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại xã Tú Sơn”.
Dự án ra đời trong bối cảnh xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng) ngày càng phát triển nhiều ngành nghề, từ đó môi trường ngày càng ô nhiễm, quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác thải hạn hẹp, bãi rác tạm lại trong tình trạng quá tải. Theo Chủ tịch UBND xã Tú Sơn, ông Bùi Văn Tiếp, hiện trung bình mỗi ngày, trên toàn địa bàn xã, các hộ dân thải ra 3,5 - 4 tấn rác. Lượng rác thải này đang được thu gom, chôn lấp trên 2 bãi rác tạm của địa phương, với tổng diện tích hơn 5.000m2. Nhưng cả 2 bãi rác này đều đã đầy, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao… Chính vì vậy, xã là địa phương cấp xã đầu tiên ở Hải Phòng triển khai thí điểm mô hình phân loại rác đầu nguồn, vừa góp phần bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, vừa có điều kiện thu gom, tái sử dụng CTR.
Dự án có công suất 5 - 10 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng hỗ trợ 36% kinh phí cho công tác tuyên truyền, tập huấn, truyền thông; cung cấp thiết bị phục vụ phân loại, sản xuất áp dụng công nghệ mới. UBND thành phố và huyện Kiến Thụy hỗ trợ 45% kinh phí thông qua việc cấp đất cho dự án, hỗ trợ lắp điện, nước, xây lắp. Còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư (1,5 tỷ đồng).
![]() |
Một góc bãi rác xã Tú Sơn
Phân loại rác tại nguồn
Mục tiêu của dự án là phân loại, thu gom, vận chuyển CTR đầu nguồn triệt để; quản lý CTR theo phương thức 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) và xử lý tổng hợp CTR theo hai nhóm công nghệ. Một là xử lý CTR hữu cơ công nghệ compost, thực hiện theo liên danh giữa HTX với công ty Nishihara (Nhật Bản), theo Chương trình hợp tác giữa Tp.Hải Phòng và Tp.Kitakyushu. Hai là công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, thiêu đốt đối với CTR còn lại.
Bà Đoàn Thị Mơ cho biết, dự án trang bị 7.161 thùng phân loại CTR tận hộ dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Mỗi hộ sẽ nhận 3 thùng phân loại rác, trong đó 1 thùng chứa CTR có thể tái chế, tái sử dụng (gồm vỏ hộp, chai lọ, túi - chai nhựa, giấy báo…); 1 thùng chứa CTR hữu cơ (gồm rau, củ, quả, thức ăn thừa…) và 1 thùng chứa CTR vô cơ (thủy tinh, kim loại…). CTR hữu cơ sẽ được thu gom hàng ngày, trong khi các chất thải còn lại sẽ thu gom 2 - 3 lần/tuần. Rác sẽ được thu gom về điểm trung chuyển bằng xe thu gom.
HTX thỏa thuận giá thu mua chất thải rắn có thể tái chế, tái sử dụng, đồng thời thu gom, vận chuyển chất thải rắn được phân loại đến khu xử lý tổng hợp. Tại đây, rác hữu cơ được ủ vi sinh 1 tháng, xử lý thành phân compost, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, không phát sinh nước thải. Số còn lại được chôn lấp hoặc thiêu đốt hợp vệ sinh theo quy chuẩn.
Thu Hường