Các thành viên HTX Nuôi trồng thủy sản Long Thạnh trước đây đều phát triển cây lúa, mía nhưng do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đất đai bị thoái hóa, nên cây lúa, mía không cho thu nhập cao. Năm 2017, HTX thực hiện chuyển đổi mô hình sang nuôi trồng thủy sản.
Hiệu quả kinh tế và môi trường
Hiện HTX đang phát triển nuôi cá, tôm, ếch. Trong đó, mô hình nuôi ếch được đánh giá cao về giá trị kinh tế, cũng như giá trị môi trường nhờ cách nuôi trồng khoa học, đầu tư bài bản của các thành viên.
Anh Cao Văn Khánh - Giám đốc HTX, cho biết yêu cầu về bảo đảm vệ sinh môi trường ngày càng cao, trong khi đó, nuôi tôm, cá đòi hỏi diện tích ao nuôi lớn, nhiều phân tầng, trong khi nuôi ếch yêu cầu về cơ sở vật chất đơn giản hơn lại ít chất thải nên môi trường ít bị ô nhiễm.
Đầu tiên, HTX đã chọn cách tận dụng những bể nuôi cá không hiệu quả, khai thác điều kiện đất đai, môi trường nước của địa phương để chăn nuôi ếch. Tuy nhiên, sau nhiều ngày nghiên cứu, HTX đã quyết định xây dựng thêm chuồng trại bài bản để ếch phát triển tốt nhất.
Để có giống ếch chất lượng tốt, tạo ra thế hệ sau khỏe mạnh hơn, HTX đã tới nhiều vùng, liên hệ với nhiều địa chỉ để tìm bắt ếch lứa đầu.
Để bảo đảm môi trường cho nòng nọc, HTX đã chú ý đến nhiệt độ nước trong bể nuôi, nuôi với mật độ thấp và mở rộng không gian sống cho vật nuôi. Nước chảy ra từ ao nuôi ếch được HTX tận dụng nuôi cá rô đầu nhím.
Chính vì vậy, lượng thức ăn cho ếch được HTX cho với lượng phù hợp, không dư thừa, gây ứ đọng, làm ô nhiễm môi trường. Khi thấy ếch kém ăn, HTX tìm hiểu ngay nguyên nhân ếch bị bệnh để giải quyết kịp thời.
Bảo đảm chất lượng đàn ếch bằng thức ăn là vấn đề quan trọng không kém. HTX chủ động chọn nguồn thức ăn gần gũi với thiên nhiên để nuôi ếch. Thức ăn được kết hợp với men tiêu hóa, tỏi để tăng lượng canxi và sức đề kháng cho ếch. Nhờ đó, HTX không phải dùng thuốc kháng sinh cho ếch. Ngoài ra, HTX còn tiến hành khử trùng bể nuôi ếch hàng tuần.
Hiện, sản phẩm của HTX được bán cho một số doanh nghiệp chế biến, một phần được bán cho các nhà hàng và thương lái. Sau khi trừ mọi chi phí, HTX thu về lợi nhuận 80 - 120 triệu đồng/năm, đồng thời giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường nước trong quá trình nuôi thủy sản.
Giám đốc Cao Văn Khánh (trái) giới thiệu mô hình nuôi thủy sản của HTX |
Đa dạng hóa vật nuôi
Nhờ hoạt động hiệu quả, đến nay, HTX Nuôi trồng thủy sản Long Thạnh đã thu hút được hơn 80 hộ nông dân, chủ yếu là thanh niên, nuôi thủy sản trên diện tích gần 50 ha.
Toàn bộ các thành viên đều được học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thủy sản hiệu quả và thông qua các buổi hội thảo, tập huấn kiến thức nuôi thủy sản bền vững của Sở NN&PTNT tỉnh Long An.
Các thành viên đều được Sở NN&PTNT hỗ trợ từ giống, kỹ thuật cho đến đầu ra sản phẩm... Nhờ đó, dù sản xuất trên diện tích lớn và đa dạng vật nuôi nhưng đầu ra của HTX không quá khó khăn.
Ngoài nuôi ếch, HTX còn kết hợp nuôi cá và lươn không bùn. Nuôi trồng thủy sản kết hợp, ngoài tận dụng thức ăn thừa từ phân ếch, giúp hạn chế dịch bệnh xảy ra, còn giúp HTX tăng lợi nhuận, có vốn xoay vòng sản xuất.
Theo anh Cao Văn Khánh, nuôi cá rô đầu nhím và lươn kết hợp với ếch đã tăng thêm lợi nhuận cho HTX. Hiện tại, trung bình 1 ha các rô đầu nhím có thể mang lại 100 - 200 triệu đồng/vụ, mỗi vụ khoảng 4 tháng.
Tuy nhiên cũng không vì thế mà HTX phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch. Ngoài thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nuôi thủy sản, HTX đang tích cực liên kết với địa phương và các doanh nghiệp để hỗ trợ HTX phát triển hiệu quả và bền vững.
Như Yến