HTX đứng ra thu mua sản phẩm của thành viên và bà con |
Không chỉ trồng rau, HTX Kim Phượng còn sản xuất các loại miến, mì, bún tươi, bánh gio... Ban đầu , người tiêu dùng chưa mấy mặn mà với các sản phẩm của HTX, nhưng dần dần, với hoạt động tích cực của các thành viên, cộng với chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, nhiều khách hàng trong và ngoài huyện đã bắt đầu biết đến, sử dụng và đặt hàng của HTX.
Dây chuyền hiện đại
Để nâng cao lợi nhuận và dễ dàng trong công tác quản lý, HTX đã chia thành các tổ sản xuất: tổ làm bún, tổ làm mì, tổ làm bánh gio, tổ sản xuất rau sạch…
Lựa chọn sản xuất đa ngành nghề, song lĩnh vực chính của HTX là sản xuất, kinh doanh mì gạo Bao Thai Định Hóa, bánh gio gia truyền.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa, HTX đã đầu tư dây chuyền sản xuất mì gạo trị giá 200 triệu đồng. Đồng thời, các thành viên được tập huấn kỹ thuật, đào tạo vận hành thành thạo dây chuyền chế biến mì gạo, được hướng dẫn các bước sản xuất đảm bảo VSATTP.
Mì gạo do HTX sản xuất bằng máy có độ đồng đều, mẫu mã đẹp hơn chế biến thủ công. Mì tráng bằng máy nên bột được trải đều, mỏng, chín nhanh và chín đều, do đó bảo quản được lâu.
Trung bình 1 công lao động mỗi ngày vận hành dây chuyền chế biến 150kg nguyên liệu, trong khi chế biến thủ công cần tới 5 công. Do độ hao hụt ít hơn và giá thành sản xuất giảm, mỗi ngày, cứ 150kg gạo nguyên liệu chế biến bằng máy, HTX có thể thu lãi 1,9 triệu đồng, cao hơn chế biến thủ công 1 triệu đồng…
Theo chị Ma Thị Hằng, Giám đốc HTX, dây chuyền chế biến mì gạo dễ vận hành, ổn định cho năng suất chế biến cao hơn nhiều lần so với chế biến thủ công. Các thành viên đã đúc rút nhiều kinh nghiệm thực tế để chế biến ra sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp người tiêu dùng…
Không chỉ có vậy, mì của HTX còn được đóng gói với bao bì bắt mắt, trên đó ghi đầy đủ địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng, thành phần và cách thức chế biến… Đặc biệt, HTX vừa hoàn thiện các thủ tục đăng ký mã vạch, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Hiện nay, HTX đang đi vào hoạt động ổn định; sản phẩm mì gạo được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn huyện, tỉnh và từng bước tạo dựng được uy tín trên thị trường…
Khẳng định thương hiệu
Nhờ đầu tư công nghệ chế biến mì gạo hiện đại, nước thải trong quá trình sản xuất được xử lý tốt hơn trước khi xả ra ngoài nên hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Quy trình sản xuất của HTX được địa phương và cơ quan nhà nước đánh giá là thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, HTX còn có một sản phẩm khác đang được đăng ký nhãn hiệu, đó là bánh gio gia truyền Bà Phương. Hiện tại, mỗi ngày, HTX gói trên 2.000 chiếc và có đầu ra ổn định với giá 2.5000 đồng/chiếc.
Trong trồng trọt , HTX Kim Phượng tiến hành trồng 1,5 mẫu rau bò khai. Thời gian qua, HTX không phải đem rau ra chợ bán mà được thương lái, nhà hàng, khách sạn đến thu mua tận vườn. Bình quân mỗi hộ thành viên trồng bò khai có thu nhập 300.000 - 900.000 đồng/tuần.
Để quáng bá, nâng cao chất lượng rau bò khai, HTX đã xây dựng quy trình trồng rau an toàn hướng tới hình thành thương hiệu cho sản phẩm, đủ tiêu chuẩn cung ứng rau vào siêu thị…
Hiện nay, HTX đã liên kết với các HTX khác trên địa bàn như: HTX Nuôi hươu Cựu chiến binh Trọng Hùng, HTX Rau củ quả an toàn Dương Thành, HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú (Phú Bình), HTX nông sản an toàn Ôn Lương (Phú Lương), HTX Chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu (Tp Thái Nguyên), HTX Nông sản Phúc Chu, HTX Nông sản Bãi Hội, thành liên hiệp HTX nhằm mở rộng đầu ra và hỗ trợ thành viên trong sản xuất.
Liên hiệp HTX nông nghiệp đã xây dựng được một số cửa hàng bán nông sản sạch trên địa bàn. Đây cũng là cơ hội để sản phẩm của HTX Kim Phượng đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua các chuỗi giá trị bền vững.
Như Yến