Đầu năm 2006, với sự hỗ trợ của Liên minh HTX Tp.Cần Thơ, HTX Kim Hưng ra đời, chuyên sản xuất và XK các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) làm từ lục bình, do chị Huỳnh Thị Ánh Nguyệt làm Chủ nhiệm.
Dạy nghề cho hàng ngàn lao động
Theo các thành viên của HTX, chị Huỳnh Thị Ánh Nguyệt được coi là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của HTX. Chị là người đầu tiên thu hút hàng ngàn lao động nữ tham gia vào HTX với nghề đan lục bình, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ ở nông thôn.
Không ngừng vun đắp cho sự nghiệp phát triển của HTX, bên cạnh việc chú tâm vào hoạt động SX-KD, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chị Nguyệt thường xuyên phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, huyện liên tục chiêu sinh các lớp đào tạo nghề, giúp chị em phụ nữ có điều biết gì về nghề cho đến khi thành thục mọi công đoạn. Các học viên tham gia các lớp đào tạo của HTX được hỗ trợ kỹ thuật, một phần kinh phí học nghề, khi sản xuất được sản phẩm còn được HTX bao tiêu, thu mua toàn bộ với mức giá ổn định.
Nhờ được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng, các thành viên của HTX đã biến những cọng lục bình thô mộc, mọc đầy rẫy trên sông nước vùng ĐBSCL thành những sản phẩm tinh xảo, như giỏ xách, chậu hoa, tấm thảm, chiếc khay, ghế, kệ, tủ…
Trong vô số sản phẩm của HTX, có khoảng 600 - 700 mẫu sản phẩm chủ lực không chỉ có chất lượng cao, mẫu mã đẹp mà còn thân thiện với môi trường, được những khách hàng khó tính từ nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng.
Sản phẩm của HTX vừa bán chạy trong nước và XK mạnh ra thị trường nước ngoài như châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông, Nhật Bản… với doanh thu khoảng 10 triệu USD/năm.
Để có được những thành công của HTX như ngày nay, chị Nguyệt - sào” - đã trải qua vô vàn khó khăn, thử thách, kiên trì bám trụ con đường, đưa HTX phát triển.
![]() |
HTX đã tạo điều kiện để phụ nữ địa phương có việc làm, thu nhập ổn định
Tâm huyết với HTX
Nhớ lại cơ duyên gắn bó với nghề, chị Nguyệt cho hay, hết phổ thông, chị Nguyệt theo học khóa đào tạo kỹ thuật viên ngành Công nghệ thông tin (2 năm) ở Trung tâm Kỹ thuật - Tổng hợp - Hướng nghiệp Tp.Cần Thơ. Một lần về chơi nhà bạn ở Tp.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), tình cờ chị tiếp cận được cơ sở chuyên gia công sản phẩm lục bình với hàng trăm lao động.
Chị Nguyệt được đề nghị làm đầu mối thu mua cọng lục bình khô, hàng tuần đều đặn cung cấp nguyên liệu cho cơ sở sản xuất. Những sản phẩm hoàn mỹ được tạo ra từ nguyên liệu thô mộc đã thu hút chị Nguyệt. Chị đã không quản ngại khó khăn, vừa cung ứng nguyên liệu vừa cất công học hỏi cách làm ra sản phẩm.
Sau khi tay nghề tương đối thuần thục, chị mạnh dạn tổ chức gia công sản phẩm. Ban đầu chị làm cùng một vài chị em trong xóm. Sau một thời gian, cơ sở sản xuất của chị lớn dần lên và khi đủ điều kiện, chị bắt tay vận động, thành lập HTX.
Với cương vị người đứng đầu HTX, chị Nguyệt luôn tâm huyết với HTX. Nhiều thời điểm vào mùa sản xuất, khi nhu cầu thị trường tăng cao, chị cùng ban lãnh đạo HTX phải xắn tay vừa lo thu mua nguyên liệu dự trữ, vừa lo việc kiểm tra sản phẩm, bảo đảm chất lượng luôn đạt yêu cầu khách hàng,lại vừa lo giao hàng đúng hạn, lo tìm thêm nguồn khách hàng mới, ký thêm những hợp đồng mới… Chị và ban lãnh đạo HTX không quản ngại gian khó, luôn tìm cách để có thêm việc làm, tăng thu nhập, để các thành viên của HTX thêm gắn bó hơn với tổ chức.
Những nỗ lực của HTX trong việc điều kiện để chị em phụ nữ ở địa phương có việc làm, thu nhập ổn định được chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và người dân đánh giá rất cao.
Để khuyến khích nghề TCMN phát triển bền vững, đồng thời quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước, HTX được ngành chức năng định hướng trở thành một trong những điểm tham quan mua sắm của du khách.
Khi đến đây, du khách không những được tận mắt chứng kiến quá trình làm ra sản phẩm đan lát từ lục bình, mà còn có thể trải nghiệm bằng cách tự tay làm ra những sản phẩm mà mình yêu thích.
Thu Hường