HTX Hợp Tiến ra đời với các thành viên chủ yếu là phụ nữ dân tộc Mông có thu nhập thấp. Chỉ với 10 thành viên ban đầu, đến nay, HTX đã phát triển mạnh mẽ với 120 thành viên.
Tích cực đào tạo nghề
Với mong muốn phát triển nghề dệt lanh truyền thống của quê hương, năm 2001, HTX Hợp Tiến ra đời. Sau khi đi vào hoạt động, những truyền thống tốt đẹp về dệt thổ cẩm được phát huy, kỹ thuật hiện đại được áp dụng, từ đó, HTX đã trở thành địa chỉ sản xuất kinh tế tiêu biểu của địa phương.
Ban quản trị HTX đã huy động các thành viên đóng góp vốn, xây dựng cơ sở dệt thổ cẩm Hợp Tiến và vận động mọi người trồng lanh để chủ động về nguồn nguyên liệu dệt vải.
HTX đã hợp tác với Trung tâm hỗ trợ làng nghề truyền thống Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nhằm giúp các thành viên làm quen với các hoa văn, họa tiết sản phẩm mới, hiện đại.
Không dừng lại ở đó, Ban Quản trị HTX đã tích cực trong công tác đào tạo nghề. HTX đã ký kết với Tổ chức hướng nghiệp quốc tế Pháp (Association Batik International) để mở lớp hướng dẫn nâng cao tay nghề may, dệt thổ cẩm. Việc này đã tạo điều kiện cho các thành viên có cơ hội học hỏi, nâng cao tay nghề, tiếp cận máy móc hiện đại, làm ra nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng.
Bà Vàng Thị Mai - Giám đốc HTX, cho biết: dệt thổ cẩm là nghề lâu đời và quen thuộc đối với người phụ nữ Mông. Tuy nhiên, để phát triển theo hướng hàng hóa, HTX luôn chú ý sản xuất ra sản phẩm kết hợp được vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại, để những sản phẩm đó vừa lòng khách hàng trong nước và khách hàng nước ngoài.
Không chỉ quan tâm, thu hút các thành viên là những phụ nữ Mông có kinh nghiệm dệt thổ cẩm, HTX còn đào tạo các bạn trẻ dệt thổ cẩm với kỹ thuật hiện đại biết dùng máy tính, làm du lịch để phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại hộ gia đình.
Toàn bộ sản phẩm dệt lanh đều được sản xuất nguyên liệu thiên nhiên truyền thống, bền màu, an toàn. Sản phẩm thể hiện sự tâm huyết, sáng tạo, tỉ mỉ của những người phụ nữ Mông kết hợp với các hoa văn tinh tế nên nó có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi và được nhiều người yêu thích, đặc biệt là bạn hàng ngoại quốc.
![]() |
Các sản phẩm vải lanh của HTX đặc biệt thu hút sự quan tâm của du khách
Tăng cường quảng bá
Với những đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương, HTX đã được UBND xã Hợp Tiến tạo điều kiện cấp đất xây dựng nhà xưởng, giúp HTX ổn định sản xuất.
Sự ra đời và hoạt động của HTX đã được đánh giá cao trong việc bảo tồn và phát triển nghề dệt lanh Lùng Tám, đồng thời còn giúp những người phụ nữ của địa phương phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Hiện, thu nhập từ dệt lanh thổ cẩm của các thành viên là 3 triệu đồng/người/tháng.
Hiện, sản phẩm của HTX có sức cạnh tranh cao, đáp ứng được những yêu cầu khó tính của bạn hàng vì có tính sáng tạo, bền vững, mang tính địa phương. Sản phẩm của HTX đã được bạn hàng của các nước Đông Nam Á và nhiều nước châu Âu tin tưởng đặt hàng.
Với số lượng thành viên ngày càng tăng, HTX ngày càng mở rộng sản xuất, đa dạng sản phẩm như: dệt vải may quần áo, túi xách, ví, đồ trang sức… nhằm tận dụng tối đa các sản phẩm thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Để phát triển ngành nghề truyền thống, HTX đã tích cực tham gia các hội chợ, nhất là các hội chợ quốc tế để quảng bá sản phẩm, tích cực liên kết với Trung tâm hỗ trợ làng nghề truyền thống Việt Nam, các nhà thiết kế cùng nghiên cứu, phát triển thị trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên những sản phẩm thời trang hiện đại.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2017 - 2020, HTX đang muốn mở rộng hoạt động ra các địa phương khác khi mở rộng thêm 50ha trồng lanh, thu hút 400 thành viên vào HTX, mỗi thôn sẽ có một nhóm thành viên khoảng 10 người để thuận tiện cho công tác quản lý, nâng cao tay nghề.
Như Yến