Ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc HTX Hợp Tiến, cho biết: Hiện HTX có 65 thành viên, trong đó hàng chục hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, HTX tạo việc làm cho 100 - 200 lao động. Thu nhập của người lao động đạt 4,5 - 8 triệu đồng/tháng, tùy vào từng công việc cụ thể.
Liên kết Nông - lâm nghiệp
Quảng Sơn là địa phương có lợi thế đất đai bằng phẳng, diện tích đất rừng lớn. Nhằm đa dạng hóa cây trồng dưới tán cây rừng để tăng thu nhập cho các hộ thành viên và bà con nông dân, HTX đã xây dựng phương án sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa.
HTX đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây thanh long ruột đỏ cho các thành viên theo quy trình VietGap, trên diện tích 5 ha.
Điều đặc biệt, cây thanh long ruột đỏ là cây chịu hạn tốt, thích nghi với vùng đất rừng của địa phương nên ít sâu bệnh và không mất nhiều công chăm sóc. Thực hiện theo quy trình sản xuất, diện tích thanh long ruột đỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX khi cho thu hoạch 2 vụ/năm, trừ chi phí, mỗi hộ thành viên thu về 10 - 15 triệu đồng/ha.
Trước nhu cầu của thị trường về nguồn cung bò thịt, HTX phát triển mô hình chăn nuôi bò. Để chủ động sản xuất, HTX đã tự trồng cỏ, cung cấp thức ăn cho bò. Sau mỗi lứa, HTX tiến hành nhân giống để mở rộng đàn bò.
Nuôi bò đòi hỏi nguồn vốn lớn, nên HTX đã tiến hành hỗ trợ vốn cho các thành viên và nông dân có nhu cầu phát triển sản xuất, hoặc hướng dẫn họ thủ tục vay ngân hàng thuận tiện. Tận dụng diện tích đất rừng, bò được thả hàng ngày để nâng cao chất lượng thịt.
Nuôi bò đã mạng lại nguồn thu nhập trăm triệu cho mỗi hộ thành viên. Ngoài ra, HTX còn tận dụng nguồn phân bò ủ hoai mục để bón cho cây thanh long ruột đỏ, giúp giảm chi phí đầu tư trồng trọt và bảo đảm an toàn.
Để đạt được những kết quả trên, HTX đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, chuyển giao KH-KT vào sản xuất để nâng cao chất lượng, năng suất. HTX đã đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, xây nhà kho, nhà xưởng… trên diện tích 1.215 ha. Tất cả đều bảo đảm phát triển theo hướng hàng hóa.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp dưới tán cây rừng của HTX không chỉ tạo việc làm cho các thành viên và người lao động mà còn có ý nghĩa thiết thực khi góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất, điều hòa khí hậu…
![]() |
Mô hình kinh tế nông - lâm kết hợp của HTX
Quản lý bảo vệ rừng
Là địa phương có diện tích đất rừng lớn, HTX đã tham gia công tác quản lý và bảo vệ rừng cùng cán bộ địa phương để hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép…
HTX đã phối hợp với công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn thực hiện quản lý, bảo vệ 1.828 ha diện tích rừng tại xã Quảng Sơn.
HTX đã cử 36 người thay phiên nhau làm việc nhằm phát hiện, ngăn chặn các đối tượng vào chặt phá rừng.
Với tinh thần trách nhiệm cao, HTX đã thực hiện tốt công việc, không để mất đất, mất rừng. HTX đã thành lập 4 đội quản lý bảo vệ rừng chốt tại những vị trí quan trọng, cửa ngõ ra vào rừng và phối hợp với chủ rừng, các cơ quan chức năng ngăn chặn được nhiều vụ lấn chiếm đất rừng.
“Để mang lại hiệu quả trong quản lý và bảo vệ rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp là điều không hề đơn giản. HTX đã phải phối hợp với nhiều ban ngành địa phương, xây dựng kỷ luật… để mang lại hiệu quả. HTX mong người dân nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển rừng. Đây chính là tài nguyên, là nguồn sống lâu dài của con người”, Giám đốc Nguyễn Anh Đức nói.
Với những gì đã đạt được, HTX Hợp Tiến được đánh giá là một trong những mô hình kinh tế hợp tác thành công của tỉnh và góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Như Yến