Đây là HTX chế biến rác thải đầu tiên ở Tây Nguyên, do anh Bùi Thanh Quang khởi xướng thành lập, với tư cách là Chủ nhiệm (nay là Giám đốc) HTX. Anh Quang cho biết, HTX hình thành từ nền tảng cơ sở sản xuất của gia đình anh.
“Bén duyên” với rác
Anh từng là một kỹ sư lâm nghiệp, nhưng cuộc sống, công việc đưa đẩy anh có duyên với nghề chế biến rác thải từ năm 2005. Anh làm quen với việc chế biến rác thải từ một cơ sở ở Tp.HCM.
Sau khi “bén duyên” với nghề, anh trở lại quê hương đầu tư cơ sở sản xuất. Ban đầu chỉ có 5 người cùng làm, sau kinh doanh hiệu quả, số người lao động được anh thuê tăng dần lên, cơ sở nâng cấp thành Tổ hợp tác.
Đến thời điểm thích hợp, năm 2007, anh cùng các thành viên đã một lần nữa nâng cấp cơ sở sản xuất thành HTX. Hiện HTX có 32 thành viên, trong đó có tới 85% người lao động là dân tộc thiểu số sinh sống ở địa phương.
Bình quân mỗi tháng, HTX thu gom, chế biến khoảng 40 tấn nhựa phế liệu, theo phương thức phân loại, sơ chế thành các loại nhựa ABS, PS, HIPS… Các loại sản phẩm này được đưa đi tiêu thụ tại Tp.HCM, phục vụ công nghiệp tái chế. Công việc chế biến rác của HTX còn giúp xử lý nhiều chai lọ nhựa chứa hóa chất độc hại, tránh thải ra môi trường.
Trong quá trình hoạt động, cũng như nhiều mô hình kinh tế khác, HTX cũng trải qua nhiều giai đoạn thăng vậy, anh Quang cùng ban lãnh đạo HTX phải bỏ tâm sức, trăn trở, tìm hướng đi phù hợp để HTX có thể trụ vững trước những khó khăn, diễn biến thất thường của thị trường.
![]() |
Giám đốc Bùi Thanh Quang (đội mũ): Chọn nghề tái chế rác không chỉ vì mục đích kinh tế
Công nghệ là mấu chốt
Xác định công nghệ là mấu chốt giúp HTX tăng năng suất, nâng quy mô, hiệu quả hoạt động, Ban lãnh đạo HTX đã không ngừng đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại phục vụ việc tái chế ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng.
Theo anh Quang, định hướng lâu dài của HTX là tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng kiên cố... tiến tới sản xuất các sản phẩm từ nhựa tái chế như các loại túi xách, cặp, giày dép da, giả da…
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với môi trường, HTX còn tổ chức tuyên truyền, vận động thành viên, người lao động và người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Người lao động làm việc tại HTX được quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT BHTN…, được ban lãnh đạo HTX thăm hỏi, quan tâm khi nhà có công việc hiếu, hỷ, giải quyết tốt chế độ ốm đau, thai sản… cho người lao động. Chính vì vậy, người lao động luôn gắn bó với HTX.
Một thành viên HTX cho biết, gia đình thành viên này có vài người cùng làm tại HTX, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 3 triệu đồng/tháng. Từ khi tham gia vào HTX, điều kiện kinh tế của gia đình khá giả hơn nhiều, con em trong gia đình có điều kiện ăn học, thành đạt.
Luôn gắn bó, tâm huyết với nghề, với vai trò người dẫn dắt HTX từ những bước đi chập chững đầu tiên đến khi phát triển ổn định như ngày nay, Giám đốc Bùi Thanh Quang tâm sự: “Làm giàu ai cũng muốn. Tôi chọn nghề tái chế rác không chỉ vì mục đích kinh tế, mà còn có mong mỏi tạo việc làm cho lao động nghèo ở địa phương”.
Đây là một công việc thiết thực góp phần mang lại hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư trang bị máy móc, hệ thống xử lý nước thải để nâng công suất chế biến rác, đồng thời sản xuất tại chỗ các sản phẩm gia dụng từ nhựa tái chế để có thể giúp nhiều bà con có việc làm hơn”, Giám đốc Quang cho biết thêm.
Thu Hường