Khó có thể nói hết được những gian khổ, vất vả, hiểm nguy và thiệt hại mà những ngư dân phải gánh chịu trong mỗi chuyến đi biển. Nhưng nhờ sự ra đời, hỗ trợ của HTX Hải Nhi, với nhiệm vụ tập trung thu mua trực tiếp tất cả các chủng loại thủy, hải sản và cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho các tàu mà hành trình ra khơi của ngư dân đã bớt khó khăn, vất vả.
Tiếp sức cho ngư trường
Với vốn điều lệ 12 tỷ đồng, HTX hiện có 8 tàu khai thác xa bờ, 8 tàu hỗ trợ nghề cá thiết kế hiện đại, xe ôtô chuyên dụng phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá (HCNC).
Hàng ngày, các tàu HCNC của HTX luân phiên ra biển thu mua hải sản cho ngư dân tại vùng biển miền Trung và vịnh Bắc bộ; cung cấp dầu, lương thực, thực phẩm, đá, nước uống, thuốc men cho ngư dân yên tâm đánh bắt.
Hàng tháng, HTX thu mua và tiêu thụ 800 - 900 tấn hải sản, cung cấp hàng chục tấn dầu, lương thực, thực phẩm cho ngư dân; qua đó mang lại thu nhập cho mỗi lao động 80 - 90 triệu đồng/năm.
Để công tác tiêu thụ hải sản hiệu quả, HTX đã chủ động liên kết với các hệ thống đại lý trong và ngoài địa bàn thành phố. Nhờ đó, lượng hải sản đều có đầu ra ổn định.
Hoạt động HCNC của HTX giúp các thành viên và ngư dân yên tâm hơn mỗi khi ra khơi. Ngư dân Trần Toàn (ở phường Thuận Phước) cho biết: “Trước đây, thời gian ra ngư trường và từ ngư trường trở về chiếm 30% thời gian của chuyến đi. Số tiền chi phí cho dầu của tàu hoạt động tốn thêm 10 - 15 triệu đồng. Từ khi dịch vụ HCNC của HTX Hải Nhi ra đời, đã tạo động lực giúp ngư dân yên tâm vươn ra những vùng biển xa hơn mà không phải lo lắng về nguyên, nhiên liệu.
Theo ông Lê Văn Sang - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, khi khai thác trên biển nếu trúng luồng cá hay lúc gặp khó khăn về thời tiết mà hết dầu, đá hay lương thực, nước uống, thuốc… thì chủ tàu phải quay về. Nay đã có đội tàu dịch vụ HCNC của HTX giúp các tàu “nạp năng lượng” tận nơi, nên cơ hội bám biển cao hơn.
Ngoài ra, hoạt động của HTX còn tạo việc làm cho nhiều người dân ven biển để phục vụ quá trình thu mua, vận chuyển hải sản. Hiện tại, HTX đang tạo thu nhập và việc làm cho 100 lao động địa phương với mức lương bình quân 6 triệu đồng/tháng.
Thành viên của HTX Hải Nhi thu mua hải sản trên biển |
Hoạt động chuyên nghiệp
Với sự lớn mạnh của hoạt động khai thác xa bờ và HCNC, HTX không ngừng đầu tư sản xuất theo hướng khép kín, từ khâu thu mua, sơ chế đến tiêu thụ.
HTX xây dựng nhà máy sản xuất nước đá quy mô 600 cây/ngày để trực tiếp cung cấp đá cho ngư dân. Nhà dưỡng cá quy mô 300 tấn được HTX đầu tư công nghệ cấp đông gió -41oC. Công nghệ này sẽ giữ cho con cá tươi ngon, không bị đóng băng, không bị phá vỡ thịt.
Chất lượng thủy sản khi đến tay các đại lý đều được bảo đảm, đồng thời giúp giảm tổn thất sau thu hoạch, hạn chế mùi hôi thối so với phơi thủy sản trực tiếp ngoài nắng theo phương pháp truyền thống.
Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại âu thuyền của khu neo đậu cũng được HTX quan tâm, đầu tư nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường. Nước tại các thuyền sau mỗi chuyến ra khơi đều được xử lý trước khi xả ra môi trường.
HTX bố trí lao động dọn vệ sinh hàng ngày tại cảng cá, bố trí thùng bỏ rác xung quanh cảng, đồng thời phối hợp với địa phương, ban quản lý cảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu các chủ tàu trong quá trình bốc dỡ hàng hóa phải thu dọn những sản phẩm thừa vào các túi ni lông bỏ vào thùng rác, hạn chế tối đa việc xả trực tiếp các sản phẩm hải sản thừa xuống mặt nước.
Sản xuất khép kín, hiện đại đi đôi với bảo vệ môi trường đã giúp hoạt động của HTX ngày càng phát triển và góp phần quan trọng vào phát triển nghề HCNC của địa phương nói riêng và kinh tế biển nói chung.
Như Yến