Năm 2014, từ gợi ý của lãnh đạo Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội, ông Nguyễn Đình Tường (thôn Đĩnh Tú, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) đã đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học. Bắt tay vào khởi nghiệp, ông nhận hỗ trợ 30 con lợn giống, cùng với đó được cán bộ trung tâm tận tình xuống gia đình tập huấn kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi.
Chuỗi khép kín chăn nuôi lợn sinh học
Nhận thấy, thị trường tiêu thụ thịt lợn an toàn sinh học thuận lợi, năm 2016, ông Tường quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm. Đến nay, HTX Đồng Tâm có 10 thành viên, trong đó, 7 thành viên chuyên về chăn nuôi lợn an toàn sinh học, cung cấp thịt lợn sạch ra thị trường, 3 thành viên còn lại chuyên lo khâu đóng gói, giết mổ và vận chuyển thịt lợn thành phẩm đến các cửa hàng, siêu thị...
Trao đổi với VnBusiness, Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường chia sẻ: “Khác với chăn nuôi truyền thống, nuôi lợn sinh học có những yêu cầu khắt khe, phải chú trọng đồng bộ khâu chuồng lồng cho lợn hậu bị, chuồng sàn cho lợn nái, chuồng úm lợn con, chuồng cho lợn thịt riêng biệt cho đến hệ thống cho ăn, nước uống, kho chứa thức ăn, hệ thống xử lý chất thải đầy đủ. Bên cạnh đó, cần cách ly người ra vào trại lợn là ưu tiên số một để tránh việc mang mầm bệnh”.
![]() |
Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học của HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm. |
Cũng theo ông Tường, trong quá trình chăn nuôi HTX thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh chuồng trại, yêu cầu về con giống bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và an toàn dịch bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh theo quy định của thú y.
Bên cạnh đó, HTX luôn có các biện pháp chăm sóc, chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; đồng thời, kiểm soát vật tư và dụng cụ chăn nuôi trước khi đưa vào chuồng trại.
“Nếu như lợn nuôi bằng cám công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh chuồng trại thì nuôi lợn bằng cám sinh học lại hoàn toàn ngược lại. Nhờ mô hình này mà chúng tôi giảm thiểu được 70 – 80% mùi hôi trong chuồng trại, cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh khu chăn nuôi”, ông Tường cho biết thêm.
Hiện, HTX đang phát triển sản xuất theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, đến sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm, duy trì hệ thống chuồng nuôi mỗi hộ với số lượng 300 con lợn, áp dụng hiệu quả phương thức chăn nuôi an toàn với các loại thức ăn sinh học có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Đánh giá tính hiệu quả của mô hình mang lại, ông Nguyễn Đình Tường khẳng định: “Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đem đến nhiều lợi ích rõ rệt như giảm tỷ lệ dịch bệnh do có những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường. Từ đó, hạn chế sử dụng kháng sinh giúp bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng thu nhập cho người nuôi”.
“Sống khỏe” giữa bão dịch
Chia sẻ bí quyết chăn nuôi trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Đình Tường cho biết, mặc dù, chi phí chăn nuôi cao hơn từ 20-30% so với thông thường nhưng bù lại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là then chốt, quyết định sự thành công. Chính vì thế, khi nhiều nơi bị dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng nề thì lợn của HTX vẫn “sống khoẻ”.
![]() |
Các sản phẩm thịt sau chế biến của HTX đã được công nhận OCOP 4 sao. |
Ông Tường cho hay, thức ăn chăn nuôi được trang trại tự phối trộn đã chủ động về chất lượng nguồn cám, không sử dụng chất cấm và thuốc kháng sinh, giúp chất lượng thịt thơm ngon. Cám tự làm của HTX đã phát huy hiệu quả, hơn nữa lại giảm 5-10% so với mua cám công nghiệp. Chính biện pháp này đã giúp HTX vượt qua đợt “bão giá” ngay cả thời điểm giá lợn bị giảm sâu do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi hay dịch Covid-19 quay trở lại.
Hiện, HTX không chỉ xuất thịt thô ra thị trường, mà còn có dây chuyền chế biến thịt lợn thành các món ăn nhanh như: xúc xích, nem, giò, chả... Sau đó, sản phẩm sẽ được đóng gói và bảo quản ở nhiệt độ mát hoặc cấp đông đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm - ATVSTP.
Nhờ sự nhạy bén trong chăn nuôi, sản phẩm thịt lợn sạch của HTX không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng địa phương, mà còn ký kết hợp đồng các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại TP.Hà Nội và các tỉnh lân cận khác.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng mỗi ngày, chuỗi vẫn cung cấp ra thị trường khoảng 500-700 kg thịt lợn sạch. Các sản phẩm chế biến từ thịt lợn của HTX như xúc xích, giò, chả… cũng đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao về chất lượng nên được thị trường đón nhận. Như vậy, mỗi năm sau khi trừ chi phí, HTX có lãi trên 500 triệu đồng”, ông Tường tiết lộ.
Cuối năm 2019, chuỗi thịt lợn sinh học của HTX tham gia thi 3 sản phẩm chủ lực của chuỗi bao gồm: Thịt lợn sinh học, Giò lợn sinh học và Xúc xích lợn sinh học Đồng Tâm Quốc Oai. Cả 3 sản phẩm đều được hội đồng chấm thi TP.Hà Nội đánh giá cao và đạt chuẩn 4 sao OCOP.
Chính vì vậy, thời gian tới, HTX Đồng Tâm quyết tâm đẩy mạnh sản phẩm thịt lợn sạch sinh học tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, hướng tới nền sản xuất bền vững. Đồng thời, HTX mong muốn Liên minh HTX TP.Hà Nội, Liên minh HTX Việt Nam tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, kết nối các Diễn đàn nhằm giới thiệu quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Tô Thương