Cuối năm 2016, năng suất gạo hữu cơ của HTX Đồng Phú đạt 4,5 tấn/ha/vụ, cho thu nhập 160 - 180 triệu đồng/ha/năm, cao hơn sản xuất lúa thương phẩm từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Hiệu quả sản xuất
Để có được kết quả trên, Ban lãnh đạo HTX đã phải thay đổi rất nhiều để tồn tại và phát triển. Trong quá trình lãnh đạo, HTX đã chủ động, sáng tạo từ quản lý đến tổ chức sản xuất.
HTX đã tiến hành vận động, tuyên truyền với người dân nhằm đưa hàm lượng khoa học kỹ thuật (KH-KT) để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo sạch Đồng Phú.
Được sự hỗ trợ của Tổ chức Jica (Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản), HTX thực hiện trồng lúa theo chỉ tiêu kỹ thuật trồng lúa hữu cơ. Tổ chức đã cử cán bộ về tư vấn từ khâu chọn giống, vật tư nông nghiệp và hỗ trợ vấn đề bao tiêu sản phẩm. Các thành viên chăm sóc theo đúng quy trình, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật do trung tâm cử về cùng bám đồng, bám ruộng với thành viên HTX.
Nhờ áp dụng KH-KT, HTX đã từng bước giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất khi tuân thủ đúng quy trình, ghi chép đầy đủ ngày giờ phun thuốc, bón phân, chủng loại, liều lượng vật tư sử dụng. Hiện, toàn bộ diện tích lúa của HTX đều sử dụng phân hữu cơ, tuyệt đối an toàn, không độc hại.
Ông Phạm Văn Thành - Chủ tịch HĐQT HTX Đồng Phú, cho biết: “Sản xuất muốn đạt hiệu quả thì phải tuân theo quy trình. Người nông dân phải tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật thì mới làm ra được sản phẩm tốt”.
Chất lượng bảo đảm, lại được hỗ trợ đầu ra, sản phẩm gạo hữu cơ của HTX đã được bán với giá cao gấp 2 lần so với gạo được sản xuất theo phương pháp truyền thống. Ngoài ra, trên diện tích trồng lúa hữu cơ còn cho thu nhập thêm 30 - 40 triệu đồng từ lúa con (lúa vụ chiêm), đậu tương vụ Đông.
Đồng Phú là HTX chuyên sản xuất gạo chất lượng cao. Hiện HTX có khoảng 100 cán bộ và thành viên, hầu hết mọi người đều có trình độ chuyên môn, nhạy bén với thị trường.
![]() |
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại HTX Đồng Phú
Giải quyết nhiều mối lo
Với mong muốn nhiều người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm bảo đảm chất lượng, HTX đã tích cực tham gia các hội chợ để quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX tăng cường thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng để khách hàng nhận biết được sản phẩm của HTX.
HTX cũng khuyến cáo, để phân biệt gạo sạch với loại gạo kém chất lượng, người tiêu dùng có thể dựa vào đặc điểm bề ngoài. Gạo sạch thường hơi mờ, không bóng bẩy do có lớp cám gạo còn nguyên, còn gạo kém chất lượng do sử dụng hóa chất nên hạt gạo bóng, để 6 tháng vẫn không mốc. Hiện sản phẩm gạo sạch hữu cơ của HTX đã được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Từ khi sản xuất theo chuỗi, HTX đã giúp người dân giải quyết nhiều khó khăn. Chị Hoàng Thị Trang - thành viên HTX, cho biết: “Trước đây, khi thu hoạch, gia đình tôi thường lo lắng về vấn đề không có địa điểm phơi thóc. Nhưng từ khi sản xuất lúa hữu cơ, doanh nghiệp đến đặt lịch đến ngày lúa chín là thu mua tận ruộng, vận chuyển về lò sấy, nên gia đình tôi yên tâm hơn”.
Khác với việc canh tác truyền thống, mô hình khép kín của HTX giúp nông dân chuyên nghiệp hóa trong sản xuất. Các thành viên và người dân cũng giảm được tối đa chi phí sản xuất, vì được trung tâm và doanh nghiệp hỗ trợ nhiều mặt, đồng thời thu nhập của người dân cũng ổn định hơn, tránh tình trạng thương lái ép giá.
Hiện, HTX đang vận động các thành viên và người dân tích cực dồn điền đổi thửa để thuận tiện việc ký hợp đồng trực với doanh nghiệp, giúp giải quyết nhiều mối lo trong sản xuất.
Như Yến