Bắt nhịp với sự phát triển của khoa học công nghệ (KH-CN), HTX Đông Phong tiến hành tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế ở một số tỉnh bạn, tiến hành áp dụng công nghệ sinh học vào quá trình trồng trọt, chăn nuôi và thu được những thành quả đáng nể.
Khẳng định chỗ đứng
Được thành lập năm 2011 và hiện có 7 thành viên tham gia thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản khép kín trên diện tích gần 5ha, nhưng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT), hoạt động của HTX vẫn phát triển.
Trung bình mỗi năm, HTX xuất ra thị trường hàng nghìn quả trứng gà, hơn 1 tấn rau thơm, 20 - 25 tấn thịt các loại (gà, cá, ngan, bò, lợn, chim bồ câu…). Tổng doanh thu của HTX đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, HTX thu lãi 300 - 400 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động. Mỗi khi đến thời vụ, HTX còn tạo việc làm cho cả chục lao động địa phương. Sản phẩm do HTX sản xuất ra với khối lượng lớn, thường xuyên và đã có khách hàng đăng ký thu mua theo hợp đồng, nên sản xuất đến đâu, hàng hết đến đó.
HTX đã khẳng định được vị thế của mình thông qua khối lượng hàng hóa lớn, thường xuyên xuất ra thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đông Phong là một trong những HTX ứng dụng thành công KH-KT vào trong trồng trọt và chăn nuôi. HTX cũng hướng dẫn cho xã viên quy trình sản xuất và hỗ trợ họ về giống và vốn.
Khu chuồng trại được HTX đầu tư hiện đại. Toàn bộ phần máng ăn và nước uống đều sử dụng hệ thống tự động cung cấp đến từng chuồng, vừa giảm thiểu nhân công, kiểm soát tình trạng lây nhiễm bệnh từ bên ngoài, vừa bảo đảm định lượng dinh dưỡng hàng ngày.
Khu chuồng nuôi luôn bảo đảm tiêu chí: thoáng mát về mùa Hè, ấm áp vào mùa Đông nhờ hệ thống lọc khí và quạt thông gió. Hệ thống biogas vừa sạch sẽ vừa tận dụng được chất đốt từ phân của gia súc, gia cầm sử dụng cho cả trang trại rộng lớn.
![]() |
Xã viên HTX Đông Phong chăm sóc đàn bò
Mở rộng thị trường
Để chủ động và bảo đảm chất lượng, HTX pha trộn tỷ lệ bột cá khô với cám gạo, ngô và mua máy đùn cám cá chế biến thức ăn. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí, nhân công mà vật nuôi cũng được cung cấp đủ lượng đạm tăng trưởng, thịt chắc, thơm, được thị trường ưa chuộng.
Từ sản phẩm nông nghiệp (gạo, ngô), qua quá trình chế biến, chưng cất rượu, HTX đã tận dụng bỗng rượu làm thức ăn chăn nuôi. Mặt khác, các sản phẩm phụ của chăn nuôi được sử dụng làm thức ăn cho giun quế. Giun quế làm thức ăn cho gia cầm, cá giống, các bã thải từ giun dùng để trồng rau. Tất cả tạo thành một vòng tròn khép kín.
Bà Võ Thị Thu Hà - Giám đốc HTX, cho biết: Việc nuôi giun quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản, tạo chất mùn trong trồng trọt giúp đất tơi xốp, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng trọt, đáp ứng được chất lượng sản phẩm trên thị trường.
Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất đã giúp HTX đạt được hiệu quả không nhỏ. Không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, ứng dụng công nghệ còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhân công, vật tư, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của UBND xã và Liên minh HTX tỉnh, HTX Đông Phong đã liên kết với một số HTX, THT trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX tiếp tục mở rộng sản xuất, trồng thêm 3.000m2 cam, mở rộng nuôi trồng thuỷ sản, đáp ứng lượng cá thịt xuất ra thị trường.
“Muốn mở rộng sản xuất hiệu quả, sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ngành địa phương, Liên minh HTX tỉnh có vai trò quan trọng trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường trong thời gian tới”, Giám đốc HTX, cho biết.
Hoạt động của HTX Đông Phong là mô hình ứng dụng công nghệ sinh học tiêu biểu vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương và bảo vệ môi trường.
Như Yến