Chú trọng việc nâng chất lượng dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp cả đầu vào lẫn đầu ra, nên tất cả dịch vụ từ cơ giới hóa, làm đất, thủy lợi, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cho tới khâu thu hoạch đều được HTX Đại Hiệp đứng ra ký kết với người dân.
Nâng cao giá trị nông nghiệp
Nhận thấy công tác khuyến nông được coi là khâu quan trọng làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, HTX đã đảm trách các dịch vụ từ làm đất cho tới thủy lợi, bảo vệ mùa màng với giá cả hợp lý.
Khi bắt đầu bước vào mùa vụ, tổ thủy nông của HTX gồm 15 người, thường xuyên kiểm tra các cống, hệ thống mương máng điều tiết nguồn nước hợp lý. Các trạm bơm cũng được HTX thường xuyên bảo dưỡng để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho các vùng cao, trũng, bảo đảm yêu cầu về nước tưới cho cây trồng của thành viên.
Dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) luôn được HTX tuân thủ phương châm 4 đúng, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ban giám đốc HTX thường xuyên phối hợp với ngành chuyên môn kiểm tra các chủng loại thuốc, chất lượng thuốc, đôn đốc nhắc nhở các quầy kinh doanh thuốc BVTV chấp hành nghiêm các điều kiện kinh doanh theo quy định. Đến nay, HTX đã đứng ra cung ứng trên 80% thị phần thuốc BVTV trên địa bàn xã.
Để bảo vệ mùa màng, HTX đã thành lập tổ diệt chuột gồm 8 người, tiến hành bắt, diệt chuột bằng phương pháp thủ công, qua đó, hạn chế nạn chuột phá hoại mùa màng.
Máy móc phục vụ sản xuất được HTX đầu tư mạnh, với 12 máy gặt đập liên hợp, 32 máy cày, cùng đội ngũ kỹ thuật viên phụ trách việc bảo trì, tu sửa và thay mới thiết bị khi cần thiết. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho các thành.
![]() |
Nhà máy gạch tuynen của HTX
Làm giàu bền vững
Ông Phạm Thành Sự - Giám đốc HTX, cho biết với diện tích 1ha, nếu làm thủ công chi phí hết 12 triệu đồng thì làm máy chỉ hết 10,5 - 11 triệu đồng. Về thời gian, làm thủ công phải mất 3 ngày, còn làm máy chỉ cần 1 ngày. Chính vì vậy, hầu hết người dân đều đăng ký các dịch vụ của HTX trong suốt thời gian qua.
Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của ban lãnh đạo, HTX đã giúp sản xuất nông nghiệp của các hộ thành viên phát triển. Trong thời kỳ hội nhập, nếu chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp thì đời sống của các thành viên mới chỉ ổn định, khó có thể làm giàu. Chính vì vậy, HĐQT HTX luôn trăn trở, tìm tòi, phát huy sáng kiến, phát triển thêm nghề phụ để đưa HTX ngày càng phát triển.
HTX đã đầu tư thêm dịch vụ điện nông thôn bằng việc đầu tư mới 18km đường dây hạ thế ở các trục đường thôn xóm. HTX cũng vận động người dân thay thế đường dây đấu nối sau công tơ bằng các loại dây dẫn chất lượng cao, lắp đặt công tơ mới, thay thế các cột gỗ, cột sắt bằng cột bê tông.
Bên cạnh đó, HTX đã đầu tư xây dựng xưởng may tại địa phương, giúp giải quyết việc làm cho 50 lao động nữ, với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở đó, HTX đã mạnh dạn đầu tư, vay vốn từ Quỹ hỗ trợ và phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam và huy động thêm vốn của các thành viên để xây dựng nhà máy gạch tuynen.
Với mức đầu tư 12 tỷ đồng, dây chuyền hiện đại đã giúp 80 - 90% lượng khói trong quá trình sản xuất được xử lý trước khi thải ra môi trường. Lượng nước thải từ dây chuyền cũng được HTX tận dụng lại để pha trộn vào đất ngâm ủ, trộn đất nên hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.
Các nhà mày đều được xây tường bao cao 2,5m. Nhà xưởng được trang bị hệ thống hút lọc khí và trồng cây xanh xung quanh để giảm lượng bụi, tiếng ồn phát ra trong quá trình sản xuất.
Bằng sự năng động, sáng tạo, HTX đã góp phần giải quyết việc làm cho các lao động nông thôn, bảo đảm được các điều kiện về môi trường. Đến nay, HTX đã thu hút được 2.110 thành viên, nguồn vốn điều lệ 16 tỷ đồng và doanh thu đạt 23 tỷ đồng/năm.
Như Yến