Để có được những kết quả hiện tại, ngay từ khi thành lập, HTX đã không ngừng đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điểm mạnh lớn nhất của HTX là khả năng tận dụng rất tốt nguồn vốn vay và phát huy thế mạnh tại địa phương.
Hiệu quả sản xuất
Ông Nguyễn Minh Tú - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Năm 2012, HTX được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc hỗ trợ 40 triệu đồng để triển khai thực hiện đề án đầu tư mua sắm máy móc thiết bị (máy đột dập), đáp ứng nhu cầu sản xuất”.
Nguồn vốn hỗ trợ được HTX phát huy tối đa hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho HTX. Sự phát triển của HTX Hải Dương có vai trò quan trọng về kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Hiện tại, HTX đang giải quyết việc làm cho 8 lao động chính thức, với mức lương trung bình 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ, với mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Cơ giới hóa không chỉ tăng hiệu quả sản xuất, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, chất lượng chính là điểm mạnh giúp các sản phẩm của HTX cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường.
Các sản phẩm của HTX hiện đã được xuất bán tại nhiều tỉnh trong cả nước và xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc, Campuchia…
Không chỉ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên, HTX Hải Dương còn tích cực trong công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động địa phương, hỗ trợ các lao động có tay nghề cao có thể tự mở xưởng sản xuất, kinh doanh tại nhà.
Khu xưởng sản xuất của HTX
Khắc phục khó khăn
Đang có những thành công nhất định, tuy nhiên, HTX Cơ khí Hải Dương cũng đang gặp phải không ít những khó khăn.
Giám đốc HTX Nguyễn Minh Tú chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX là thiếu mặt bằng để phát triển sản xuất. Năm 2003, HTX được UBND xã giao một ô đất rộng hơn 200m2 ở cụm làng nghề Lý Nhân để xây dựng nhà xưởng. Với diện tích đó, HTX vừa sản xuất, vừa sinh hoạt là khá chật hẹp”.
“Kể từ năm 2012, HTX dự tính mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhưng với quỹ đất nhỏ hẹp, việc phát triển rất khó khăn. Ngoài ra, giống như nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, HTX Hải Dương cũng đang gặp phải khó khăn về nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, nguồn lao động tại chỗ chưa đáp ứng nhu cầu…”, ông Tú tiếp tục.
Bên cạnh đó, nếu thu nhập của thành viên HTX đang được bảo đảm ở mức cao, vấn đề về môi trường và ATVSLĐ của HTX lại đang gặp phải nhiều khó khăn. Đơn cử, do mặt bằng sản xuất chật hẹp nên các loại máy móc của HTX phải đặt gần nhau, khiến việc đi lại của thành viên có nhiều bất tiện, đặc biệt, khi chế tạo những dụng cụ lớn, có thể xảy ra va chạm.
Cơ khí là nghề khá nguy hiểm, các công việc cắt, hàn kim loại diễn ra liên tục, khi xảy ra va chạm có thể dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Hiện HTX đã trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ cho người lao động, các thành viên cũng chủ động nâng cao ý thức trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, nếu không được tạo điều kiện mở rộng mặt bằng sản xuất, rủi ro là rất lớn.
Hưng Nguyên