HTX Việt Thành đang là điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường (Ảnh tư liệu) |
Hiệu quả HTX điểm
Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nặng nhất tỉnh, thiếu nước tưới vào mùa khô, ngành nông nghiệp huyện Cầu Kè đang vận động nông dân cơ cấu lại mùa vụ, chuyển đổi cây trồng thích nghi hạn, mặn để giảm thiểu thiệt hại, nâng cao giá trị sản xuất, bảo vệ môi trường.
Cụ thể, huyện đã chỉ đạo các ban ngành nông nghiệp, khu vực kinh tế hợp tác, HTX tập trung vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn quả có khả năng thích nghi và cho hiệu quả kinh tế cao như trồng gấc, dừa sáp, cam sành…
Trong quá trình thực hiện, HTX nông nghiệp Việt Thành với nhiều mô hình sản xuất đầy sáng tạo, hiệu quả trở thành một trong những “cánh chim đầu đàn”. Năm 2017, HTX thử nghiệm mô hình cánh đồng mẫu trồng gấc theo quy trình VietGAP trên diện tích hơn 1,2 ha.
Kết quả, cây gấc chỉ sau 3 tháng trồng là cho thu hoạch với năng suất 20 - 25 tấn quả 1 ha/năm. Với giá bán dao động từ 6.000 - 25.000 đồng/kg gấc thương phẩm, các hộ triển khai mô hình thu về lợi nhuận 70 - 90 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Ông Huỳnh Thanh Việt - Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Việt Thành, cho biết từ thành công của mô hình thí điểm, đầu năm 2020, Dự án thích ứng biến đổi vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh) đã hỗ trợ cho 100 hộ thành viên HTX trồng gấc, trên tổng diện tích 20 ha.
Mô hình của HTX đang cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định (Ảnh TL) |
Lan tỏa các giá trị
Theo ông Việt, các mô hình nông nghiệp chuyển đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, cải thiện thu nhập cho người dân mà còn đem lại giá trị về môi trường sinh thái, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Đơn cử, với mô hình trồng gấc của HTX, ngay từ khi triển khai vào năm 2017, các thành viên HTX đã được tập huấn kỹ thuật chuẩn mực, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm để bảo vệ nguồn nước ngầm, ưu tiên sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ.
“Phương thức sản xuất giàu khoa học, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại giúp thành viên nâng cao chất lượng sản phẩm, giá bán lúc nào cũng cao hơn thị trường 15 – 20%, đồng thời góp phần giảm thiểu tình trạng suy thoái nguồn đất, nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Việt phân tích.
Đánh giá về vai trò của HTX Việt Thành nói riêng và khu vực kinh tế hợp tác trên địa bàn nói chung, ông Phạm Văn Kha, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cầu Kè, cho hay những năm qua, huyện đã khuyến khích người dân tham gia kinh tế hợp tác để sản xuất hàng hóa tập trung và dễ tiếp cận khoa học kỹ thuật.
Việc tham gia vào các HTX, tổ hợp tác giúp nông dân tiếp cận dễ dàng hơn với phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, qua đó mở ra cơ hội kết nối với doanh nghiệp đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập.
“Thời gian tới, khu vực kinh tế hợp tác trong đó có HTX Việt Thành sẽ tiếp tục trở thành lực lượng nòng cốt trong quá trình thúc đẩy mở rộng các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu của huyện, hướng tới lan tỏa những lợi ích về kinh tế, bảo vệ môi trường...”, ông Phạm Văn Kha nhấn mạnh.
Hưng Nguyên